1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh loãng xương
Theo TS. Phạm Hoài Thu, Đại học Y Hà Nội, loãng xương là một bệnh lý rất thường gặp trong các bệnh lý về cơ xương khớp. Loãng xương làm tổn thương sức mạnh của xương, tiến triển thầm lặng và mang lại hậu quả rất nặng nề.
Một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh sẽ giúp xây dựng hệ xương khỏe mạnh. Sức khỏe xương kém có thể gây ra các tình trạng như còi xương, loãng xương và làm tăng nguy cơ gãy xương do té ngã, chấn thương sau này trong cuộc sống.
Tình trạng bị loãng xương hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc tuân thủ thực đơn dinh dưỡng đầy đủ, ngay từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành và kéo dài trong suốt cuộc đời. Đặc biệt người cao tuổi nên được ăn đủ chất mỗi ngày theo đúng chế độ dinh dưỡng khi bị loãng xương. Nhờ đó đảm bảo được nhu cầu vitamin D và canxi cao của cơ thể, duy trì sức khỏe xương, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả.
Người cao tuổi thường bị loãng xương do quá trình lão hóa. Ảnh minh họa.
Cần cung cấp đủ canxi để giữ cho xương khỏe mạnh và vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi tối ưu. Đáp ứng các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương khỏe mạnh bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng. Nhu cầu dinh dưỡng để tối ưu hóa sức khỏe của xương có thể dễ dàng được đáp ứng bằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả (tương đương với 5 khẩu phần ăn trở lên/ngày), một lượng vừa đủ protein nhưng vừa phải protein động vật, cung cấp đủ canxi và vitamin D thông qua sữa ít chất béo hoặc thực phẩm tăng cường canxi.
Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên: Chúng ta có thể bảo vệ xương bằng cách bổ sung đủ vitamin D và canxi, ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của xương, bao gồm trái cây và rau quả. Nên tập thể dục thường xuyên để giữ cho xương và cơ chắc khỏe, tránh hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. Một ngày, nên dành 15 phút tiếp xúc da trực tiếp với ánh sáng mặt trời, chừng đó thời gian mang lại đủ vitamin D cho cơ thể trong ngày.
Đối với những người không đủ canxi từ chế độ ăn uống nên cân nhắc sử dụng canxi bổ sung. Nếu bạn đang muốn bổ sung canxi hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và đánh giá tình trạng sức khỏe xem điều đó có thực sự cần thiết hay không.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh loãng xương
Chế độ ăn uống tốt là một trong những nền tảng giúp xương khỏe mạnh. Để phòng tránh nguy cơ loãng xương cũng như cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết giúp xương chắc khỏe , chúng ta nên tăng cường các loại thực phẩm tốt cho xương dưới đây:
Cung cấp đủ canxi giúp xương chắc khỏe
Trung bình người trưởng thành cần 800mg -1.000mg canxi mỗi ngày. Bạn sẽ có thể nhận được lượng canxi cần thiết bằng cách ăn một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng.
Các nguồn canxi tốt bao gồm:
- Sữa, phô mai và các thực phẩm từ sữa khác.
- Các loại rau lá xanh, chẳng hạn như bông cải xanh, bắp cải và đậu bắp, ngoại trừ rau bina. Mặc dù rau bina chứa nhiều canxi nhưng nó cũng chứa oxalate, làm giảm sự hấp thụ canxi và do đó nó không phải là nguồn cung cấp canxi tốt.
- Đậu nành, đậu hũ.
- Đồ uống có nguồn gốc thực vật (như nước đậu nành, nước cam) có bổ sung canxi.
- Quả hạch.
- Cá nhỏ ăn cả xương, chẳng hạn như cá mòi và cá tép dầu.
Các loại thực phẩm giàu canxi người bị loãng xương nên ăn thường xuyên. Ảnh minh họa.
Vitamin D tốt cho người loãng xương
Theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, lượng vitamin D được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn từ 19 – 70 tuổi là 15mcg hoặc 600 đơn vị quốc tế (IU). Với những người trên 70 tuổi có thể cần tới 800 IU vì họ dễ bị tổn thương hơn. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú cũng chỉ cần cung cấp 600 IU là đủ. Hàm lượng vitamin D cao nhất được coi là an toàn đối với người lớn là 4.000 IU/ngày.
Rất khó để có được tất cả vitamin D cơ thể cần từ chế độ ăn uống và chúng ta nhận được phần lớn vitamin D từ tác động của ánh nắng mặt trời trên da. Từ cuối tháng 3, tháng 4 đến cuối tháng 10, bạn có thể nhận vitamin D từ ánh sáng mặt trời bằng cách phơi nắng trong thời gian ngắn hàng ngày mà không dùng kem chống nắng. Tuy nhiên, mọi người nên cân nhắc việc bổ sung vitamin D hàng ngày vào mùa thu đông khi chúng ta không thể tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
Nguồn vitamin D tốt từ thực phẩm:
- Cá có dầu, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi và cá thu.
- Lòng đỏ trứng.
- Thực phẩm tăng cường, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng tăng cường vitamin D và canxi.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương, tùy tình trạng nặng hay nhẹ và dựa theo chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bác sĩ có thể kê đơn bổ sung canxi, vitamin D cũng như điều trị bằng thuốc trị loãng xương.
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất. Ảnh minh họa.
Chất đạm (protein)
Khoảng 50% thể tích xương và khoảng 1/3 khối lượng xương được tạo thành từ protein. Protein trong chế độ ăn ảnh hưởng đến sự bài tiết và hoạt động của yếu tố tăng trưởng giống insulin I (IGF-I), một loại hormone cần thiết cho sự hình thành xương.
Mặc dù người ta từng tin rằng quá nhiều protein có thể gây mất cân bằng canxi và mất xương, nhưng một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu protein, kết hợp với lượng canxi ăn vào đầy đủ là điều cần thiết cho sức khỏe của xương.
Các nguồn protein tốt trong chế độ ăn uống bao gồm:
- Thịt nạc.
- Hải sản.
- Trứng.
- Đậu.
- Cây họ đậu.
- Các loại hạt và hạt giống.
Magie làm giảm tỷ lệ gãy xương do loãng xương
Cùng với canxi, magie cần thiết cho sự phát triển của xương, giúp chống lại quá trình lão hóa xương. Magie đóng vai trò giúp cơ thể xây dựng các tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương, làm giảm tỷ lệ gãy xương do loãng xương. Magie rất cần thiết để thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi trong cơ thể.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Magie là một chất khoáng đa lượng có vai trò rất quan trọng với nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Magie có thể thay thế canxi trong quá trình khoáng hóa tạo xương, tích hợp các chất khoáng, định hình hoạt động của các hormone trong cơ thể.
Magie là một khoáng chất có mặt tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Magie trong thức ăn thực vật cao hơn động vật, trong ngũ cốc và đậu cao hơn rau, trong rau lá xanh đậm cao hơn rau lá nhạt màu. Để có được lượng magie khuyến nghị mà cơ thể cần, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn:
- Ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau quả mỗi ngày.
- Ít nhất 3 phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày.
- 1/4 cốc hạt mỗi ngày.
- Một khẩu phần (khoảng 1/2 cốc nấu chín) đậu trong hầu hết các ngày trong tuần.
Một chế độ ăn uống tốt cho bệnh loãng xương kết hợp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau hỗ trợ sức khỏe của xương. Không có quy tắc đặc biệt nào nhưng hãy cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hơn để đảm bảo lượng vitamin, khoáng chất, protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác hàng ngày tối ưu.
3. Các loại thực phẩm nên hạn chế để có sức khỏe xương tốt
Các loại đậu
Trong khi đậu chứa canxi, magie, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, chúng cũng chứa nhiều chất gọi là phytates. Phytates cản trở khả năng hấp thụ canxi có trong đậu. Bạn có thể giảm mức phytate bằng cách ngâm đậu trong nước vài giờ rồi nấu trong nước sạch.
Thức ăn mặn
Ăn thực phẩm có nhiều muối (natri) khiến cơ thể mất canxi và có thể dẫn đến loãng xương. Hạn chế lượng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp và muối thêm vào thực phẩm ăn mỗi ngày. Để tìm hiểu xem thực phẩm có chứa nhiều natri hay không, hãy xem nhãn thông tin dinh dưỡng. Nếu nó liệt kê 20% trở lên cho % giá trị hàng ngày thì tức là nó có hàm lượng natri cao. Đặt mục tiêu tiêu thụ không quá 2.300 mg natri mỗi ngày.
Rau bina và các thực phẩm khác có oxalat
Cơ thể bạn không hấp thụ tốt canxi từ thực phẩm chứa nhiều oxalat (acid oxalic) như rau bina. Các loại thực phẩm khác có oxalat là đại hoàng, củ cải xanh và một số loại đậu. Những thực phẩm này chứa các chất dinh dưỡng lành mạnh khác, nhưng chúng không được coi là nguồn cung cấp canxi tốt.
Cám lúa mì
Giống như đậu, cám lúa mì chứa hàm lượng phytates cao có thể ngăn cơ thể bạn hấp thụ canxi. Tuy nhiên, không giống như đậu, cám lúa mì 100% là thực phẩm duy nhất có vẻ làm giảm sự hấp thu canxi trong các thực phẩm khác được ăn cùng lúc. Ví dụ, khi bạn dùng sữa và ngũ cốc 100% cám lúa mì, cơ thể bạn có thể hấp thụ một phần, nhưng không phải tất cả canxi từ sữa.
Rượu bia gây loãng xương
Rượu ngăn không cho cơ thể hấp thụ các chất khoáng hỗ trợ cho xây dựng xương từ nguồn thực phẩm mà chúng ta ăn vào. Uống nhiều rượu dễ dẫn đến loãng xương. Hãy chắc chắn để hạn chế tiêu thụ rượu bia.
Caffeine
Cà phê, trà và nước ngọt (soda) có chứa caffeine, có thể làm giảm sự hấp thụ canxi và góp phần làm loãng xương. Các loại nước ngọt chứa nhiều phospho làm cản trở sự hấp thụ canxi trong cơ thể. Hãy chọn những đồ uống này một cách có chừng mực.
Bạn thấy bài viết Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay