“Nếu được hỏi điều gì từng trải qua bạn thấy sợ nhất trong cuộc đời, tôi có thể trả lời ngay là sốt xuất huyết”, chị Phạm Mai (Hà Nội) nói.
Đầu tháng 11, chị Mai thấy trong người mệt mỏi, sốt liên tục 39 độ C, uống hạ sốt nhưng chỉ vẫn 38 độ C, sau đó lại sốt cao trở lại. Chị được người nhà đưa đi nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Chị còn bị buồn nôn, tiêu chảy liên tục, chỉ cần uống một ngụm nước, bụng sẽ quặn lên từng cơn sau đó tống sạch ra ngoài. Tiểu cầu tụt sâu (5 G/L – mức độ nghiêm trọng), máu đông đặc, bác sĩ phải cho truyền thuốc Albumin để làm loãng máu.
“Có những ngày phải xét nghiệm công thức máu tới 6 lần”, chị Mai nhớ lại.
Cánh tay chị Mai với nhiều vết bầm sau xét nghiệm sốt xuất huyết. (Ảnh: NVCC)
Do biến chứng tràn dịch màng phổi, ổ bụng, phình túi mật, sốt cao do bội nhiễm, chị Mai liên tiếp phải truyền kháng sinh. Nhiều đêm liền chị không thể chợp mắt vì bị cảm giác như giòi bò trong xương, bác sĩ chỉ định uống thuốc ngủ nhưng không hiệu quả.
“Ngày còn sinh viên, tôi từng bị sốt xuất huyết và bị cảm giác như có giòi bò trong xương nhưng chỉ 2 ngày là tôi cắt sốt và cơ thể dần trở lại bình thường. Không ngờ lần này tôi lại bị nặng như vậy”, chị Mai hồi tưởng.
Đợt mắc sốt xuất huyết này, chị Mai phải nghỉ làm nửa tháng để đi điều trị. Ngày ra viện, tuy còn rất mệt, men gan tăng gấp 10 lần do di chứng hậu sốt xuất huyết nhưng chị cảm thấy may mắn khi được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, ca bệnh sốt xuất huyết năm nay không tăng đột biến, nhưng diễn biến chuyển nặng của bệnh nhân rất khó lường. Người bệnh đa số vào viện ở ngày thứ 5-6 của bệnh. Trước đó, bệnh nhân đều có thời gian tự theo dõi và điều trị tại nhà.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi.
Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 5 ngày. Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn. Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.
Hai cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất, virus khi tấn công vào cơ thể, ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.
Về điều trị, các trường hợp nhẹ hoặc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt – giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày.
Chuyên gia lưu ý, không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 – 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch.
Người bệnh cần xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch. Trong trường hợp truyền dịch không có hiệu quả thì phải dùng dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch.
Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo như đau bụng vùng gan, tiểu ít, chảy máu cam, máu lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, rong kinh, rong huyết ở nữ giới, xét nghiệm công thức máu tiểu cầu giảm nhanh hoặc hematocrit tăng nhanh, bác sĩ Cường chia sẻ thêm.
Bạn thấy bài viết Bị sốt xuất huyết, người phụ nữ không thể ngủ vì cảm giác ‘giòi bò trong xương’ có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Bị sốt xuất huyết, người phụ nữ không thể ngủ vì cảm giác ‘giòi bò trong xương’ bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Bị sốt xuất huyết, người phụ nữ không thể ngủ vì cảm giác ‘giòi bò trong xương’ của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay