Ung thư gan có chữa khỏi được không?

Bạn đang xem: Ung thư gan có chữa khỏi được không? tại Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn

Tỉ lệ sống cao nếu phát hiện và điều trị ung thư gan sớm

Ung thư gan được chia thành 5 giai đoạn. Mỗi giai đoạn bác sĩ sẽ chọn lựa phương pháp điều trị và tiên lượng khác nhau. Ung thư gan được phát hiện càng sớm thì kết quả điều trị và tiên lượng thời gian sống càng tốt. Tiên lượng thời gian sống ở giai đoạn rất sớm chiếm tới 70% – 90% người bệnh sống còn trên 5 năm. Tỷ lệ này giảm dần ở các giai đoạn bệnh muộn hơn. Theo đó, các giai đoạn ung thư gan, bác sĩ sẽ cân nhắc biện pháp điều trị khác nhau:

Giai đoạn rất sớm: Có 01 khối u với kích thước dưới 2cm, không có tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Chức năng gan tốt và không hạn chế PS 0 (chỉ số toàn trạng theo ECOG). Ở giai đoạn này, bệnh nhân là đối tượng tiềm năng để bác sĩ lựa chọn ghép gan.

Giai đoạn sớm (giai đoạn A) : Có từ 01 – 03 khối u, kích thước không quá 3cm, chức năng gan tốt, thể trạng sức khỏe hoạt động bình thường, PS 0. Tùy vào trường hợp có tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bác sĩ sẽ chọn lựa phẫu thuật cắt gan, ghép gan hay hủy u.

Kết quả điều trị ung thư gan giai đoạn rất sớm và sớm có hiệu quả cao, tỉ lệ sống còn trên 5 năm có thể lên tới 90%.

Giai đoạn trung gian (giai đoạn B): Có nhiều khối u, không còn chỉ định phẫu thuật, chức năng gan tốt, PS 0. Giai đoạn này bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp TACE khối u. Tiên lượng sống còn khoảng 2 – 5 năm.

Giai đoạn tiến triển (giai đoạn C): Giai đoạn này khối u xâm lấn tĩnh mạch cửa, di căn ngoài gan, chức năng gan còn được bảo tồn, PS 1 – 2. Giai đoạn C bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị toàn thân với các thuốc nhắm trúng đích, miễn dịch hay hóa trị liệu có thể kéo dài sống còn. Tùy trường hợp đáp ứng thuốc, chức năng gan… có thể tăng chất lượng sống từ 1 năm trở lên cho bệnh nhân.

Giai đoạn cuối (giai đoạn D): Khối u xâm lấn tĩnh mạch cửa, di căn ngoài gan, chức năng gan giai đoạn cuối, PS 3 – 4. Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị giảm nhẹ. Tiên lượng sống còn khoảng 3 tháng.

Ung thư gan có chữa khỏi được không?- Ảnh 1.

Mỗi giai đoạn ung thư gan lại có phương pháp điều trị cũng như tiên lượng khác nhau…

Điều trị tại chỗ ung thư gan

Phẫu thuật ung thư gan : Phẫu thuật cắt bỏ phần gan mang khối u là phương pháp điều trị triệt để và an toàn. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ cần cân nhắc độ lớn của khối u; thể tích gan còn lại có phù hợp với người bệnh; đánh giá chức năng gan hiện tại. Phẫu thuật cắt gan được tiến hành cho những người bệnh có một khối u đơn độc, chức năng gan còn tốt và không có tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

– Nếu bệnh nhân không có tiền sử xơ gan, chỉ định phẫu thuật cắt gan được lựa chọn sớm vì đây là phương pháp điều trị có tỷ lệ tử vong khá thấp và thời gian sống dài sau mổ đạt 50 – 60%.

– Với những bệnh nhân có tiền sử xơ gan, bác sĩ sẽ phải xác định tới những yếu tố bệnh để giảm thiểu nguy cơ suy giảm chức năng gan trước khi quyết định phẫu thuật. Thông thường, cắt thùy phải của gan có nguy cơ suy chức năng gan cao hơn so với cắt thùy trái.

Trong phẫu thuật cắt gan điều trị ung thư gan hiện nay, thường lựa chọn sử dụng dao siêu âm. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm như: Giúp giảm mất máu trong phẫu thuật, ít tổn thương các tổ chức lành hơn so với phương pháp bóp nhu mô gan bằng tay. Ngoài ra, còn có thể loại bỏ các khối u xâm lấn vào phúc mạc bằng cách phá vỡ và hút ra ngoài; bảo tồn tối đa phần gan lành, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong sau phẫu thuật.

Hiện nay, phương pháp cắt gan nội soi cũng được áp dụng trong trường hợp khối u gan thuận lợi cho thực hiện phẫu thuật nội soi.

Ghép gan: Là phương pháp sử dụng gan được hiến của người khỏe cho bệnh nhân ung thư gan . Đây là lựa chọn tốt để điều trị ung thư gan nguyên phát và có xơ gan mất bù. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan có khối u kích thước dưới 5cm và không có quá 3 khối u kích thước trên 3cm, khối u chưa xâm lấn mạch máu và chưa di căn xa. Thời gian sống thêm của bệnh nhân ghép gan là trên 4 năm. Tỷ lệ sống thêm không tái phát ung thư đạt tới 85 – 92%. Tuy nhiên, ghép gan là một đại phẫu tồn tại nhiều rủi ro.

Phương pháp hủy u qua da: Hay còn gọi là đốt u được thực hiện bằng sóng cao tần (RFA), vi sóng. Phương pháp này dành cho những người bệnh phát hiện bệnh sớm, không có quá 3 khối u kích thước không quá 3cm hoặc một khối u kích thước không quá 5cm. Phương pháp này được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm hoặc CT. Bác sĩ sẽ đưa kim qua da tiếp cận tới khối u. Đầu kim phát ra vùng nhiệt để bao phủ và tiêu diệt khối u.

Cắt nguồn máu nuôi khối u: Đặc điểm của khối u gan là cần máu tới nuôi dưỡng. Các phương pháp bao gồm:

Nút mạch hóa chất thường quy (TACE): Đây là phương pháp chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u, đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u, với mục đích làm cho khối u bị hoại tử. Dành cho những người bệnh có khối u gan không còn cắt được, u đã xuất hiện ở hai thùy, nhưng chưa đi vào máu và lan ra ngoài cơ quan khác.

Nguyên tắc điều trị là truyền hóa chất chọn lọc (như doxorubicin, cisplatin, mitomycin C, hay kết hợp nhiều loại thuốc) vào khối u qua các nhánh động mạch nuôi u đồng thời nút tắc động mạch nuôi u bằng các vật liệu gây tắc mạch. Các tế bào ung thư gan sẽ bị tiêu diệt bởi thuốc hóa trị và thiếu nguồn cung cấp dưỡng chất do mạch nuôi u bị nút tắc.

Ưu điểm của kỹ thuật này là ít xâm lấn, hiệu quả điều trị tốt và tính chọn lọc cao, ít ảnh hưởng đến thể trạng người bệnh. Hơn nữa, phương pháp này có thể tiến hành lặp lại nhiều lần để kiểm soát khối u cũng như điều trị u tái phát. Hiện nay đã có nhiều loại hạt tải thuốc được phát minh để mang thuốc hóa trị được phóng thích có kiểm soát nhằm tiêu diệt tế bào u lâu dài như DC-Bead, Tandem…

Tuy nhiên phương pháp này không phải là kỹ thuật điều trị triệt căn. Tác dụng phụ của TACE là gây chóng mặt, nôn ói, loãng xương, rụng tóc và thoái hóa chức năng thận.

– Xạ trị trong chọn lọc: Nguyên lý của phương pháp này tương tự như phương pháp TACE nhưng kỹ thuật phức tạp hơn, phải làm nhiều thì vì các đồng vị phóng xạ Ytrium-90 sẽ được bơm vào động mạch nuôi khối u gan. Các hạt vi cầu của chất này sẽ đi vào các nhánh động mạch nhỏ khắp trong khối u gây tắc mạch máu nuôi u và tiêu diệt các tế bào ung thư. Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn xạ trị trong chọn lọc với những người bệnh không còn khả năng phẫu thuật, chống chỉ định phẫu thuật, tổng trạng người bệnh tốt, chức năng gan còn bù và chưa từng xạ trị vào gan trước đó.

Xạ trị ung thư gan: Xạ trị tại chỗ kết hợp với phương pháp gây tắc mạch, cho kết quả tương đối khả quan, giảm đau, giảm kích thước khối u cho bệnh nhân.

Tiêm hóa chất vào trong khối u

Tiêm cồn hay hóa chất khác như acid axetic có tác dụng tốt với những khối u nhỏ. Đối với khối u kích thước dưới 2cm, tiêm cồn giúp tiêu hủy 90 – 100% tế bào ung thư. Tỷ lệ này giảm xuống 70% ở bệnh nhân có khối u kích thước 2 – 3 cm và chỉ còn 50% ở người mang khối u gan kích thước 3 – 5 cm.

Nhược điểm của tiêm cồn là bệnh nhân cần được tiêm liên tục trong nhiều ngày và khó tiêu hủy hoàn toàn khối u ác tính kích thước trên 3cm do cồn không thể vào hết toàn bộ khối u.

Ngoài ra, còn các phương pháp như đốt u gan bằng liệu pháp nhiệt lạnh, vi sóng, sóng cao tần, tia laser… có hiệu quả tốt đối với bệnh nhân có khối u dưới 3cm, không có khả năng phẫu thuật do vị trí khối u, mang nhiều khối u hoặc bị xơ gan. Ưu điểm của các phương pháp này là tỷ lệ thành công cao, ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật, tỷ lệ sống còn sau 5 năm tương đương phẫu thuật.

Ung thư gan có chữa khỏi được không?- Ảnh 3.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u ở gan là phương pháp điều trị triệt căn, chỉ định ung thư giai đoạn sớm.

Điều trị ung thư gan bằng đường toàn thân

Tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân ung thư gan thường được phát hiện muộn, không còn phẫu thuật được. Lúc này chỉ sử dụng được những phương pháp điều trị giúp kéo dài sự sống, giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các phương pháp điều trị toàn thân này dành cho những người bệnh giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn muộn. Tức là ung thư đã xâm lấn mạch máu đại thể hoặc di căn xa. Hoặc bệnh nhân ở giai đoạn trung gian nhưng thất bại hoặc không phù hợp với phương pháp can thiệp tại chỗ như ung thư gan đa ổ. Các phương pháp toàn thân bao gồm:

Liệu pháp nhắm trùng đích: Được sử dụng cho ung thư gan tiến triển, không còn chỉ định phẫu thuật. Các thuốc như aorafenib, lenvatinib, regorafenib… là các thuốc đích đường uống có cơ chế ngăn chặn các đường dẫn tín hiệu gây phát triển khối u trong các tế bào ung thư. Từ đó ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, phân chia và di căn.

Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp điều trị giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết tế bào ung thư và tiêu diệt. Pembrolizumab là các thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch cho thấy có thể cải thiện thời gian sống còn ở người bệnh ung thư gan sau khi thất bại điều trị với các thuốc nhắm trúng đích như sorafenib, lenvatinib… Một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp bevacizumab và atezolizumab cho hiệu quả trong việc cải thiện thời gian sống thêm không bệnh của người bệnh ung thư gan giai đoạn muộn hoặc tái phát.

Ung thư gan có chữa khỏi được không?- Ảnh 4.

Cần phát hiện sớm ung thư gan để được điều trị hiệu quả.

Kháng sinh mạch máu: Dùng thuốc giúp thoái triển mạch máu hiện hữu của khối u. Ức chế sự phát triển mạch máu mới, chống thấm các mạch máu còn sống sót.

Ngoài ra phải điều trị hỗ trợ như điều trị bệnh lý gan nền, nâng đỡ chức năng gan, hỗ trợ dinh dưỡng để nâng tổng trạng, hay điều trị những bệnh lý đi kèm.

Lưu ý khi điều trị ung thư gan

Điều trị ung thư gan là sự phối hợp nhiều phương pháp điều trị, nhiều chuyên khoa tùy thuộc giai đoạn bệnh, chức năng gan, tình trạng sức khỏe của người bệnh để đạt hiệu quả điều trị tối ưu nhất. Sau khi điều trị tùy thuộc vào phương pháp điều trị, hiệu quả điều trị, thời gian bệnh ổn định hay tiến triển mà được bác sĩ hẹn lịch tái khám mỗi tháng, mỗi hai tháng hay mỗi ba tháng.

Mỗi lần tái khám, người bệnh sẽ được đánh giá về lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh học để đánh giá kết quả điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh và phát hiện tái phát hay không. Do đó người bệnh cần đến theo dõi định kỳ theo lịch của bác sĩ.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan ở Việt Nam có tỉ lệ nguyên nhân do viêm gan B là rất cao. Do đó, cần tiêm vaccine phòng viêm gan B cho người chưa nhiễm, đặc biệt trẻ sơ sinh, từ đó giúp giảm nguy cơ ung thư gan.

Hạn chế sử dụng những đồ uống có cồn, tránh lây nhiễm viêm gan B, C qua đường tình dục, kim tiêm và đường lây truyền từ mẹ sang con….

Chủ động tầm soát định kỳ ung thư gan trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao có nhiễm viêm gan B, C và xơ gan. Tầm soát và phát hiện sớm ung thư gan rất quan trọng để bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với các phương pháp điều trị sớm; giúp tối ưu thời gian sống còn của bệnh nhân.

Bạn thấy bài viết Ung thư gan có chữa khỏi được không? có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Ung thư gan có chữa khỏi được không? bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn

Nhớ để nguồn bài viết này: Ung thư gan có chữa khỏi được không? của website daihocdaivietsaigon.edu.vn

Chuyên mục: Kinh nghiệm hay

Xem thêm bài viết hay:  Ai không nên uống nước lạnh trong ngày nắng nóng?

Viết một bình luận