Mới đây, một nữ TikToker nổi tiếng chia sẻ về việc 30 tuổi bị suy thận giai đoạn 3b khiến cô phải uống thuốc liên tục, nếu không sẽ dẫn đến chạy thận hoặc ghép thận. Nguyên nhân được cô tiết lộ là do lối sống không lành mạnh như thường ăn nhiều thịt và các món nhiều dầu mỡ, thức khuya…
Có thể hoàn toàn không có dấu hiệu bất thường
Lý giải nguyên nhân trên, bác sĩ chuyên khoa I Trần Doãn Minh Tuấn, Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết các thói quen không tốt diễn ra trong khoảng thời gian dài sẽ gây tác động tiêu cực đến cơ thể, dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe toàn thân nói chung và chức năng thận nói riêng.
“Một số nghiên cứu đã ghi nhận việc ăn nhiều protein, nhiều dầu mỡ, thức khuya có mối liên quan đến suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy không có mối liên quan nào. Do đó, việc khẳng định các thói quen không tốt vừa nêu là nguyên nhân trực tiếp khiến bản thân bị suy thận cũng chưa chính xác” – bác sĩ Tuấn nói.
Người bị suy thận có thể hoàn toàn không có dấu hiệu bất thường nào. Bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn trễ với biểu hiện của nhiều biến chứng hoặc được phát hiện tình cờ thông qua kết quả xét nghiệm. Một số người được phát hiện suy thận khi đi khám vì các biểu hiện như phù toàn thân, tiểu ra máu, nước tiểu nhiều bọt lâu tan, mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt…
ThS-BS Nguyễn Minh Quân, Phó trưởng Khoa Nội thận lọc máu – Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết trong 2 quả thận có những đơn vị nơ-ron hoạt động bù trừ nhau. Suy thận có 5 giai đoạn. Từ giai đoạn 1 đến 3, các nơ-ron này hoạt động bù trừ nên không có triệu chứng, thậm chí cả giai đoạn 4. Đến giai đoạn 5 mới xuất hiện triệu chứng do mất bù trừ, lúc này bệnh đã trở nặng.
Tuy nhiên, một số trường hợp có triệu chứng sớm nhưng không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, tiểu đêm, đau thắt lưng. Khi nặng hơn, có dấu hiệu bệnh lý cầu thận thì có thể xuất hiện thêm dấu hiệu buồn nôn, ngủ gà gật… Bên cạnh đó, trong giai đoạn sớm, có thể phát hiện dựa vào màu sắc của nước tiểu như sẫm hoặc hồng nhạt…
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM)
Cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, tại Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân trẻ mắc bệnh lý liên quan đến thận thường tập trung trong độ tuổi 20 – 40, chiếm khoảng 20% – 30%. Bệnh nhân đến khám khi tình cờ phát hiện lúc kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc xuất hiện các triệu chứng khi trở nặng như phù, nôn ói, khó thở, kali máu cao…
Bác sĩ Trần Doãn Minh Tuấn nhận xét các bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường có xu hướng ngày càng trẻ hóa có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hóa bệnh lý suy thận. Bên cạnh đó, thói quen tự ý sử dụng thuốc không hợp lý – như giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng – cũng là nguyên nhân dẫn đến người suy thận ngày càng trẻ hóa. Đồng thời, lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động… cũng góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Theo bác sĩ Tuấn, nếu bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm, được điều trị các bệnh lý nguyên nhân kịp thời, điều trị giảm các biến chứng, thay đổi lối sống một cách tích cực thì có thể giúp ngăn ngừa diễn tiến của suy thận đến các giai đoạn nặng hơn.
“Với sự phát triển của các xét nghiệm y khoa hiện đại, việc phát hiện sớm suy thận có thể được thực hiện thông qua một số xét nghiệm tầm soát, như xét nghiệm định lượng creatinine huyết thanh; xét nghiệm nước tiểu tìm protein hoặc albumine trong nước tiểu; xét nghiệm khảo sát cặn lắng nước tiểu; siêu âm thận và hệ niệu” – bác sĩ Tuấn cho biết.
Tránh lạm dụng thuốc
Để tránh tình trạng suy thận, bác sĩ Nguyễn Minh Quân lưu ý nên duy trì lối sống lành mạnh. Cần thường xuyên tập luyện phù hợp với bản thân; tránh lo âu, căng thẳng; uống đủ nước để cung cấp cho quá trình chuyển hóa, trao đổi chất trong cơ thể; không để thừa cân, béo phì; tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt; không hút thuốc, uống rượu bia.
Đặc biệt, cần tránh lạm dụng các thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; kiểm soát tốt bệnh mạn tính… Bên cạnh đó, nên khám sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp suy thận.
Bạn thấy bài viết Suy thận ở người trẻ diễn tiến âm thầm có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Suy thận ở người trẻ diễn tiến âm thầm bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Suy thận ở người trẻ diễn tiến âm thầm của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay