BVĐK tỉnh Khánh Hòa là bệnh viện hạng I tuyến cuối ở Khánh Hòa, từ năm 2020 đến cuối năm 2023 có 32 bác sĩ ở BVĐK tỉnh Khánh Hòa chuyển sang bệnh viện tư nhân để có nguồn thu nhập tốt hơn.
Đối với các cơ sở y tế khác ở Khánh Hòa, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thông tin, từ thời điểm xảy ra dịch COVID-19 đến nay, các bệnh viện tuyến cơ sở ở địa phương cố gắng duy trì ổn định bác sĩ. Chỉ số ít chuyển đi nơi khác theo chồng, hoặc vợ.
BSCKII Phan Hữu Chính – Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, quy định mức chi phụ cấp cho nhân viên y tế trực, phẫu thuật… tại các bệnh viện công lập thực hiện từ năm 2011 đến nay không còn phù hợp để bảo đảm đời sống tối thiểu cho nhân viên y tế. Vấn đề tăng phụ cấp trực, phẫu thuật là cấp thiết, để nhân viên y tế yên tâm làm việc và cống hiến.
“Có những ca phẫu thuật như nối 2 ngón tay đứt lìa, kéo dài 12 tiếng. Hay đứt rời bàn tay phẫu thuật viên đứng 18 tiếng liên tục nhưng tiền phụ cấp hiện nay chỉ dưới 220 ngàn đồng cho phẫu thuật viên chính”, BSCKII. Phan Hữu Chính ngậm ngùi.
Nhiều ca phẫu thuật cho người bệnh ở BVĐK tỉnh Khánh Hòa, nhân viên y tế và phẫu thuật viên chỉ nhận được mức phụ cấp rất thấp.
Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh Khánh Hoà, có những ca phẫu thuật liên quan đến thần kinh, sọ não, 8 tiếng liên tục các bác sĩ không ăn, không uống, không giải lao, tập trung cao độ cứu tính mạng một con người nhưng mức phụ cấp rất thấp. Đặc biệt, những ca đại phẫu thay khớp háng, khớp gối kéo dài gần 10 tiếng, phụ cấp cho phẫu thuật viên chính không quá 200 ngàn đồng.
Rồi những ngày lễ, Tết tại các Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Tim mạch…, nhân viên y tế trực tuyệt đối không được phép chợp mắt, con ốm cũng không được về nhà, niềm vui riêng tạm gác lại.
“Trong những tình huống như thế, tất cả y, bác sĩ chúng tôi đều tự động viên nhau hãy vượt qua gian khó vì người bệnh, vì lòng yêu nghề, vì trách nhiệm của lương y. Vậy nên, Bộ Y tế có dự thảo tăng phụ cấp cho nhân viên y tế trực, phẫu thuật là hết sức cần thiết”, BS Chính chia sẻ.
Gắn bó nhiều năm với Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (BVĐK tỉnh Khánh Hòa), bác sĩ Lăng Thái Hòa thổ lộ rằng, Khoa được ví như “đầu sóng ngọn gió”, nơi lằn ranh giữa sống và chết mong manh nhất. 90% bệnh nhân khi vào Khoa đều trong tình trạng nặng. Vào những ngày lễ, Tết, tiếng chân của y, bác sĩ luôn rầm rập gấp gáp xen lẫn trong tiếng tít tít của máy thở, máy theo dõi nhịp tim, máy đo các chỉ số sinh tồn của người bệnh.
“Cứ bước qua cánh cửa Phòng Hồi sức tích cực là trong đầu chúng tôi chỉ có dòng ý nghĩ duy nhất “hãy dốc hết tâm sức chạy đua với thời gian để cứu người, niềm vui riêng gác lại ngoài cánh cửa”. Có hôm, rời khỏi bệnh viện, chân tay rã rời”, bác sĩ Hòa tâm sự.
Bác sĩ Lăng Khắc Hòa túc trực bên người bệnh nặng đang được cấp cứu ở BVĐK tỉnh Khánh Hòa.
Bình thường đã vậy, còn trong ngày chiến đấu với dịch CIVID-19 trước đây, mỗi bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hô hấp… phải làm việc với công suất gấp 2-3 lần. Nhớ lại những ngày ăn cơm, uống nước, gọi điện… cũng phải tranh thủ, bác Lăng Khắc Hòa chia sẻ, ngay khi dịch COVID-19 căng thẳng ở Khánh Hòa, số bệnh nhân tăng nhanh, bác sĩ Hòa xung phong vào tuyến đầu để ngày đêm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Lúc đó mỗi thầy thuốc đều ước mình trở thành “siêu nhân” làm việc mãi mà không mệt. Nhiều hôm suốt hơn 8 tiếng, bác sĩ Hòa cùng đồng nghiệp của mình mới hết ca trực, cởi bộ đồ bảo hộ ra thì quần áo ướt đẫm bởi mồ hôi. Tắm rửa trong chớp nhoáng, vội vàng ăn cơm, vội vàng gọi điện cho người thân và thiếp đi trong giấc ngủ ngắn ngủi rồi lại bật dậy đi cứu chữa bệnh nhân COVID-19.
Với bệnh nhân COVID-19, bác sĩ không chỉ điều trị chuyên môn còn hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh cá nhân, ăn cơm, cháo… Có những thời điểm áp lực quá lớn, một số bác sĩ nghĩ đến công việc khác, môi trường khác nhưng khi nhìn ánh mắt những bệnh nhân như níu kéo, như cầu khẩn… họ lại bám trụ lại bệnh viện công lập và mong sớm được tăng phụ cấp cho nhân viên y tế.
Bác sĩ Lăng Khắc Hòa cho biết, khó khăn đến mấy, các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn động viên nhau cùng vượt qua và mong sớm được thay đổi phụ cấp.
“Với tinh thần ‘cứu người là mệnh lệnh từ trái tim’ nên khó khăn đến mấy chúng tôi cũng bám trụ và mong sớm được tăng phụ cấp”, bác sĩ Lăng Thái Hòa tâm tình.
Theo bác sĩ Hòa, khi xung phong đi điều trị bệnh nhân COVID-19, có nhiều cái bác sĩ phải học thật nhanh. Ví như an ủi, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân. Lúc đầu cũng chưa trôi chảy, sau thành quen. Và hơn hết, bệnh nhân khi nhìn thấy sự tận tình trong từng việc nhỏ của y bác sĩ, bừng dậy khát vọng sống đó là hạnh phúc với bác sĩ. Trong nhọc nhằn nhất, các bác sĩ thỉnh thoảng lại xích lại bên nhau chụp tập ảnh đầy khỏe khoắn để biểu thị quyết tâm. Nhưng ngay sau đó về đến phòng nghỉ khi hết ca trực, toàn thân ê ẩm.
Cực nhọc là thế, nhưng tiền phụ cấp nhận được không đáng bao nhiêu nhưng bác sĩ “không nỡ” chuyển sang cơ sở y tế tư nhân. Ở đó, có thể thu nhập tốt hơn nhưng người bệnh lại phải chi phí cao để được thụ hưởng kỹ thuật chuyên sâu, được điều trị với các bác sĩ giàu chuyên môn. Nhất là với người nghèo, điều này thêm khó khăn cho họ.
Tại nhiều cơ sở y tế công lập, người bệnh được thụ hưởng kỹ thuật cao, được thanh toán đầy đủ bảo hiểm y tế nên chi phí thấp.
Rời ca trực, nhìn những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn bị chấn thương nặng vừa hồi phục, bác sĩ Phan Văn Hiếu – Khoa Chấn thương-Chỉnh hình-Bỏng (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) cũng chia sẻ, nếu các trường hợp này vào cơ sở y tế tư nhân, chi phí điều trị rất lớn.
Ở bệnh viện công tuyến tỉnh, họ được chăm sóc bởi các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu, được thụ hưởng kỹ thuật cao, được thanh toán đầy đủ bảo hiểm y tế nên chi phí rất thấp. Có hôm từ sáng đến tối mịt quay cuồng bên bệnh nhân, căng não với các ca phẫu thuật nhưng khi nhận tiền phụ cấp thì bác sĩ rất ‘ngậm ngùi’.
Bác sĩ Phan Văn Hiếu bên một bệnh nhân vừa hồi phục, theo anh, việc tăng phụ cấp cho nhân viên y tế là rất hợp lý.
Vậy nhưng, theo bác sĩ Hiếu, anh và đồng nghiệp vẫn khích lệ nhau hãy bám trụ vì người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo phải dùng thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, các anh luôn ước mong mức phụ cấp sẽ sớm được thay đổi.
“Dự thảo tăng phụ cấp trực, phẫu thuật cho nhân viên y tế là rất hợp lý, giúp chúng tôi trang trải cuộc sống được tốt hơn, an tâm công tác hơn. Bởi thực tế, công việc của chúng tôi quá nhiều, áp lực rất lớn”, bác sĩ Hiếu bộc bạch.
Có nhân viên y tế, sau khi rời bệnh viện công đến phòng khám tư nhân, bệnh viện tư nhân nhưng trong lòng vẫn giữ ý nghĩ có ngày sẽ quay về cơ sở công lập nếu thay đổi phụ cấp được cải thiện.
Lê Quang Vinh (Vĩnh Phương, Nha Trang, Khánh Hòa) từ nhỏ đã muốn làm bác sĩ. Ước mơ thành hiện thực, năm 2019, bác sĩ Vinh vào làm trong một cơ sở y tế công lập tuyến huyện ở Khánh Hòa.
Sau đó một thời gian, bác sĩ Lê Quang Vinh chuyển về phòng khám tư nhân ở Bình Thạnh, TP. HCM làm việc. Anh không phủ nhận, áp lực mưu sinh chính là điều buộc mình phải quyết định như vậy. Tất nhiên, theo anh, ở đâu cũng là chữa bệnh cứu người nhưng rõ ràng với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện tại, người dân tiếp cận dịch vụ y tế tư nhân sẽ tốn kém hơn rất nhiều.
Đang việc tại một phòng khám tư nhân nhưng bác sĩ Lê Quang Vinh cho biết sẽ quay lại cơ sở y tế công lập khi chế độ phụ cấp được điều chỉnh.
“Môi trường y tế công lập hay tư nhân thì công việc của bác sĩ đều là căng mình, tận tâm cứu chữa cho bệnh nhân, áp lực và sự vất vả như nhau. Tuy nhiên, làm việc ở phòng khám tư hay bệnh viện tư thì tiền lương mình được trả xứng đáng hơn, còn cơ sở y tế công lập đãi ngộ còn thấp, chưa được như mong muốn”, bác sĩ Vinh bộc bạch.
Dù đã chuyển sang phòng khám tư nhân làm việc nhưng theo bác sĩ Lê Quang Vinh, khi nào phụ cấp trong các cơ sở y tế công lập thay đổi, anh sẽ cố gắng quay về bệnh viện công lập. “Dự thảo tăng thêm phụ cấp cho nhân viên y tế công lập là rất cần thiết”, bác sĩ Vinh bày tỏ.
Bài và ảnh:
Hà Văn Đạo
Bạn thấy bài viết Phụ cấp ngành y 13 năm không đổi (4): Thương người bệnh mà ở lại, lỡ ra đi sẽ quay về có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Phụ cấp ngành y 13 năm không đổi (4): Thương người bệnh mà ở lại, lỡ ra đi sẽ quay về bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Phụ cấp ngành y 13 năm không đổi (4): Thương người bệnh mà ở lại, lỡ ra đi sẽ quay về của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay