Mới đây, ngành y tế TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ghi nhận trường hợp nhân viên phòng khám thú y bị một con chó cưng giống Poodle cắn vào tay. Con chó được đưa đến khám do có biểu hiện mệt lả, bỏ ăn và chết cùng ngày sau đó, mẫu xét nghiệm dương tính với virus dại. Điều đáng chú ý là chú chó thường xuyên được nuôi nhốt trong nhà, không thả rông và chỉ thỉnh thoảng được đưa đi chăm sóc, cắt tỉa lông.
Đồng Nai cũng là địa bàn ghi nhận tình hình bệnh dại lan rộng khắp tỉnh với 20 ổ dịch chó dại trong năm 2023 và 3 ổ dịch mới từ đầu năm 2024 đến nay. Các trường hợp bị cắn phần lớn là do vật nuôi trong gia đình, sau đó không chú ý tiêm ngừa dẫn đến tử vong.
Thú cưng dù được nuôi nhốt trong nhà vẫn có thể là nguồn lây bệnh dại cho người. Nguồn: Freepik
Theo Bộ Y tế, dại đang là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ngành y tế các địa phương đã ghi nhận gần 20 ca tử vong do không tiêm ngừa dại. Hiện miền Nam bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus dại hoạt động mạnh. Dự kiến số ca bệnh tiếp tục tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm.
Nếu khi trước, tỷ lệ người mắc bệnh dại từ chó là chủ yếu thì những năm gần đây, nguồn lây bệnh từ mèo đang tăng lên. Năm 2023, thống kê cho thấy trong số 82 ca tử vong vì dại, khoảng 10% do mèo gây ra.
Vừa xin được một chú mèo vằn về nuôi, Bá Đạt (24 tuổi, TP.HCM) rất phấn khích. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, Đạt đều tranh thủ chơi với mèo. Chú mèo của Đạt có thói quen đùa giỡn nên quá khích đã cào xước gây ra vết thương dài rướm máu trên cánh tay Đạt. Do mèo chưa được chích ngừa và lo lắng nhiễm trùng nên Đạt đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn. Dựa theo lịch sử chủng ngừa của Đạt, bác sĩ tư vấn Đạt tiêm 2 mũi vắc xin dại và một mũi vắc xin uốn ván.
Chú mèo Pun được nhận nuôi của Đạt. Ảnh: Instagram dustinagain_
“Mình tìm hiểu nuôi chó mèo có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên tiêm dự phòng trước 3 mũi khi lỡ có bị cắn, cào chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh. Mình tính chờ vài ngày làm quen xong mới chích ngừa cho Pun (tên ở nhà của chú mèo) nhưng sự việc xảy ra trước. Đúng là tiêm các mũi dự phòng này cũng không thừa”, Đạt chia sẻ.
Tương tự, trong lúc đưa chú rồng đất Nam Mỹ (iguana) ra phơi nắng, Hải Minh (20 tuổi, Bình Thuận) bị cắn vào đầu ngón tay chảy máu. Sau khi sát khuẩn và băng bó vết thương, Minh đến cơ sở tiêm chủng và được tư vấn tiêm ngừa uốn ván.
“Bình thường rồng nhà mình rất hiền nhưng có lẽ dạo gần đây bé bị stress do nhà mình có nhiều trẻ con thường lấy cây chọc phá. Mình lo miệng bé tiếp xúc đất cát sẽ lây vi khuẩn uốn ván nên tiêm ngừa cho yên tâm”, Minh cho hay.
Rồng đất iguana màu đỏ, một giống kỳ nhông đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng nuôi trong thời gian gần đây. Nguồn: Ilopet
Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết thời gian gần đây, nhận thức về bệnh dại và uốn ván của người dân ngày càng nâng cao. Hệ thống tiêm chủng ghi nhận nhiều trường hợp đến tiêm phòng dại và uốn ván.
Theo bác sĩ Phương, không chỉ riêng chó hay mèo, các thú cưng khác như kỳ nhông, chuột hamster, sóc bay, khỉ… đều có thể là nguồn lây bệnh dại và uốn ván cho người thông qua các vết cào, cắn, liếm lên vùng da hở.
Với bệnh dại, thời gian ủ bệnh rất phức tạp. Sau khi virus dại đi vào cơ thể người, chúng sẽ di chuyển dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ gây ra bệnh dại. Vết thương càng nặng, càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc đầu mút các chi, bộ phận sinh dục…, thời gian ủ bệnh càng ngắn. Bệnh dại hiện chưa có thuốc đặc trị. Khi đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100%. Vắc xin dại là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có.
Một khách hàng đến tiêm vắc xin ngừa bệnh tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo
Bác sĩ Phương hướng dẫn để vệ sinh vết thương, cần rửa ngay với nước sạch và xà phòng trong vòng 15 phút, sau đó rửa lại bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i ốt. Lưu ý không chà xát, làm dập nát hoặc băng kín vết thương làm virus đi vào cơ thể nhanh hơn. Sau sơ cứu, mọi người cần đến ngay trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ tư vấn tiêm ngừa.
Người chưa từng tiêm vắc xin dại cần tiêm đủ phác đồ. Các lần bị cắn, cào sau chỉ cần bổ sung 2 mũi để có miễn dịch với bệnh. Ngoài ra, người thường xuyên tiếp xúc với động vật, cách xa cơ sở y tế nên chủ động dự phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin dại trước khi bị cắn, cào. Phác đồ tiêm dự phòng gồm 3 mũi và chỉ cần bổ sung 2 mũi khi bị cắn và không cần tiêm huyết thanh.
Khị bị thú cưng/vật nuôi cắn cào, cần rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng sẵn có. Nguồn: Freepik
Ngoài tiêm vắc xin dại, bác sĩ Phương cũng lưu ý vết thương hở, cào xước do thú cưng gây ra cũng là nguồn lây truyền bệnh uốn ván nguy hiểm. Nguyên do là mầm bệnh uốn ván có mặt ở khắp mọi nơi như đất cát, bụi, cống rãnh, phân súc vật… và có thể tồn tại ở miệng, móng vuốt của thú cưng, từ đó truyền sang người thông qua vết cắn, cào. Mặt khác, vết thương hở, trầy xước cũng là “cửa ngõ” cho vi khuẩn uốn ván bên ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể người gây bệnh.
Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có tỷ lệ tử vong cao do hệ thần kinh bị tổn thương gây co cứng cơ, suy hô hấp. Tiêm phòng uốn ván là cách dự phòng bệnh hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí điều trị. Việc tiêm phòng cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi có vết thương để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Người lớn nên dự phòng uốn ván bằng cách tiêm 3 liều cơ bản, sau đó tiêm nhắc mỗi 5-10 năm một lần. Trường hợp có vết thương lớn sau khi chủng ngừa đầy đủ trong 5-10 năm, chỉ cần một mũi vắc xin uốn ván, không cần huyết thanh.
Nếu khoảng cách từ liều tiêm cuối cùng đã quá 10 năm, người dân phải tiêm nhắc một mũi dù vết thương nhỏ, sạch. Đối với vết thương lớn, nguy cơ mắc bệnh cao, người dân cần một mũi vắc xin, kết hợp huyết thanh kháng độc tố uốn ván.
Theo bác sĩ Phương, các vắc xin dại và uốn ván hiện có đều đã được kiểm định an toàn, hiệu quả cao, tiêm ngừa cho cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong đó, vắc xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ.
Bạn thấy bài viết Người trẻ nuôi thú cưng cần chú ý những bệnh truyền nhiễm có thể gây chết người có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Người trẻ nuôi thú cưng cần chú ý những bệnh truyền nhiễm có thể gây chết người bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Người trẻ nuôi thú cưng cần chú ý những bệnh truyền nhiễm có thể gây chết người của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay