Điển hình như trường hợp người bệnh L.T.T, 53 tuổi, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ có tiền sử sỏi niệu quản phải nhiều năm nay, tuy nhiên không điều trị can thiệp gì. Chỉ đến khi xuất hiện đau quặn bụng từng cơn, đau lan ra sau lưng, người bệnh mới đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ.
Tại đây, kết quả thăm khám và chụp CT-Scanner cho thấy: Đài bể thận phải giãn độ IV, niệu quản giãn mỏng, đoạn 1/3 dưới có 2 viên sỏi liền kề nhau, viên lớn kích thước 7x11mm. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán thận phải của người bệnh mất chức năng do sỏi niệu quản và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt thận phải.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Thái – Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ cho biết: “Thận phải của người bệnh đã giãn rất mỏng, mất chức năng hoàn toàn, mà nguyên nhân chỉ vì viên sỏi niệu quản gây bít tắc phía dưới. Điều đáng nói, người bệnh biết rõ mình mắc sỏi thận nhưng chủ quan không điều trị dứt điểm, ở nhà có dùng thuốc nam. Trong trường hợp này, phương pháp điều trị tối ưu nhất là phải cắt bỏ quả thận mất chức năng cho người bệnh để tránh các biến chứng sau này”.
Ai có nguy cơ mắc sỏi niệu quản
Sỏi hình thành do sự kết tụ các tinh thể trong nước tiểu, điển hình như canxi, axit uric, cystin,… Người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc sỏi thận gồm: Người có tiền sử gia đình mắc sỏi niệu quản, mắc một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa, bệnh nang thận và nhiễm trùng đường tiết niệu; bị viêm ruột mãn tính; không bổ sung đủ nước mỗi ngày; chế độ ăn nhiều natri, protein động vật…
Dấu hiệu người mắc sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản kích thước nhỏ thường không gây ra triệu chứng và dễ dàng đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Trường hợp sỏi lớn gây cản trở dòng nước tiểu sẽ gây ra một số dấu hiệu nghiêm trọng: Đau âm ỉ vùng hố thắt lưng; đau quặn thận (đau đột ngột, đau dữ dội từng cơn, đau từ vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn và sinh dục); tiểu buốt, tiểu đau hoặc khó chịu mỗi lần đi tiểu; nước tiểu có màu sắc bất thường như màu hồng, màu đỏ, nâu sẫm… do sỏi gây chảy máu; tiểu đục, ra mủ trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu kèm các biểu hiện khác như: sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa…
Cần làm gì khi phát hiện mắc sỏi niệu quản?
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Thái đối với người bệnh mắc sỏi niệu quản thì nên can thiệp loại bỏ sỏi càng sớm càng tốt. Hiện nay có rất nhiều phương pháp can thiệp sỏi tiết niệu ít xâm lấn như: Nội soi ống mềm, tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi, nội soi lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể… với tổn thương tối thiểu, hiệu quả tối đa, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như giảm mất máu, vết mổ nhỏ, ít đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn…
Việc sử dụng các loại thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, có thể làm mất các triệu chứng của bệnh tiết niệu, làm người bệnh nhầm tưởng mình đã khỏi bệnh. Nhưng thực tế bệnh vẫn tồn tại, làm thận ngày càng bị ảnh hưởng, suy giảm chức năng.
Cách phòng bệnh sỏi niệu quản
Để phòng bệnh sỏi thận, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện sỏi thận, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng tới chức năng thận. Để bảo vệ thận, mọi người cần lưu ý tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày; chế độ ăn uống cần lựa chọn thực phẩm lành mạnh, đủ chất, tăng cường nhiều rau xanh, hoa quả tươi và giảm muối; đặc biệt lưu ý uống đủ nước để giúp cho thận hoạt động tốt…
Khi có dấu hiệu đau lưng hoặc vùng thắt lưng, dưới mạn sườn, đau khi đi tiểu, tiểu són, bí tiểu… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bạn thấy bài viết Người phụ nữ ở Phú Thọ phải cắt 1 bên thận vì chủ quan với chứng bệnh này có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Người phụ nữ ở Phú Thọ phải cắt 1 bên thận vì chủ quan với chứng bệnh này bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Người phụ nữ ở Phú Thọ phải cắt 1 bên thận vì chủ quan với chứng bệnh này của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay