Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, gần đây, đơn vị này đã tiếp nhận liên tiếp các bệnh nhân bị đột quỵ. So với năm ngoái, mùa đông năm nay số ca đột quỵ nhập viện đang gia tăng.
Trong đó, đáng chú ý có 2 bệnh nhân nam (ngoài 40 tuổi) bị đột quỵ sau khi tắm đêm. Mới đây nhất là bệnh nhân N.X.K 42 tuổi, Hải Dương. Sau khi tắm vào đêm ngày 17/12, bệnh nhân đôt ngột đau đầu, ý thức chậm dần đi vào hôn mê, được sơ cứu tuyến trước, sau đó chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108 giờ thứ 3.
Mặc dù đã được hồi sức cấp cứu tích cực, tuy nhiên tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa.
Bệnh nhân có khối máu tụ bán cầu phải với thể tích khoảng 90 cm3. Ảnh: BVCC.
Một bệnh nhân khác là Đ.V.Đ (45 tuổi, Hà Nội) không có tiền sử bệnh lý, đã phải cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi tắm khuya. Kết quả chẩn đoán cho thấy xuất huyết não với khối máu 90 cm³ và bệnh nhân buộc phải phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não, hiện tại bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.
Ngoài 2 trường hợp trên, trước đó, tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận không ít bệnh nhân phải vào viện cấp cứu sau khi tắm đêm. Năm 2023, trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện nam sinh lớp 10 tử vong sau khi tắm muộn trong khi đang bị cảm cúm. Hay năm 2020, nam thanh niên 23 tuổi tại Bắc Ninh cũng tử vong tại phòng trọ sau khi tắm đêm.
Những trường hợp này là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của thói quen tắm đêm, nhất là trong mùa đông lạnh.
Những nguy hại từ thói quen tắm đêm
Các bác sĩ cho biết, thời điểm ban đêm, nhiệt độ bên ngoài giảm xuống thấp, tạo ra sự chênh lệch về nhiệt độ so với cơ thể. Vì vậy, khi tắm khuya nhiệt độ cơ thể quá chênh lệch với nhiệt độ nước khiến người dân dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt, thậm chí đột quỵ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), tắm khuya hoặc tắm nước lạnh không thể trực tiếp dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Tuy nhiên, việc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột và một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến đột quỵ khi tắm muộn.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây đột quỵ khi tắm đêm, bao gồm: Do nhiệt độ nước tắm (quá nóng hoặc quá lạnh); do thời gian tắm quá lâu; tắm khi trong người có cồn, các chất kích thích; ngồi đại tiện trước khi tắm quá lâu; tắm muộn khi có bệnh lý trong người…
Những ai không nên tắm muộn?
Các bác sĩ cho biết, những người có sẵn các bệnh lý nguy cơ của đột quỵ như: cao huyết áp, tim mạch, mỡ máu cao và một số bệnh lý nền nguy hiểm khác thường có nguy cơ bị đột quỵ do tắm đêm cao hơn những người khác. Vì vậy, nhóm đối tượng này tuyệt đối không nên tắm muộn.
Tắm đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, người vừa vận động mạnh hoặc tập luyện cường độ cao; người mới uống rượu bia, chất kích thích; người mới ốm dậy hoặc vẫn đang bị cảm; người mới cạo gió (giác hơi) không nên tắm ngay nhất là tắm đêm muộn.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai; phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt cũng nên chú ý không nên tắm muộn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tắm như thế nào để phòng nguy cơ đột quỵ?
Để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng tránh đột quỵ tắm đêm, các chuyên gia khuyến cáo cần lưu ý một số điều sau:
– Tạo thói quen tắm sớm, đặc biệt không nên tắm sau 22h. Sấy khô tóc và lau khô người trước khi đi ngủ để cơ thể không bị nhiễm lạnh.
– Không tắm ngay sau khi ăn, khi quá đói hoặc khi quá no.
– Không dội nước lên người đột ngột, nhất là khi tắm nước lạnh. Hãy dội nước nhẹ nhàng từ hai chân, tay rồi mới đến người và đầu. Như vậy cơ thể có thể thích ứng với nhiệt độ, tránh bị sốc nhiệt.
– Không tắm ngay sau khi tập thể dục hoặc khi người có mồ hôi.
– Phòng tắm phải kín đáo, tránh có gió lùa.
– Ngoài ra, cần chú ý không nên để nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột như trời nóng tắm nước quá lạnh, vừa vận động xong đã tắm nước lạnh, mùa đông tắm nước quá nóng bởi nhiệt độ cơ thể bị thay đổi đột ngột rất dễ dẫn đến đột quỵ.
Sau khi tắm muộn, nếu người dân cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, tê buốt đầu, tê mặt, bị mất sức,… cần thông báo ngay cho người nhà để có thể ổn định huyết áp, giữ ấm cho cơ thể và cấp cứu kịp thời.
Khi nghi ngờ người xung quanh bị đột quỵ vì tắm khuya, không nên tự sơ cứu bằng các biện pháp như bấm huyệt, cạo gió, cho người bệnh uống thuốc. Thay vào đó hãy để người bệnh ở nơi thông thoáng và đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt để không bỏ lỡ “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ.
Bạn thấy bài viết Mùa lạnh, tắm như thế nào để tránh nguy cơ bị đột quỵ? có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Mùa lạnh, tắm như thế nào để tránh nguy cơ bị đột quỵ? bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Mùa lạnh, tắm như thế nào để tránh nguy cơ bị đột quỵ? của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay