Chị N.T.M (33 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) chi 108 triệu đồng trồng răng sứ thẩm mỹ . Tuy nhiên, sau khi làm răng được gần 1 năm, chị M. thấy các dấu hiệu đau và ê buốt răng. Thậm chí, việc nhai cắn gặp khó khăn. Hàm răng sứ chị M. trồng cũng không được thẩm mỹ.
“Tôi hơi hô và thưa răng. Ban đầu, tôi đi tư vấn niềng nhưng sau đó được tư vấn làm răng sứ. Thấy đẹp, tôi đồng ý ngay nhưng sau đó răng tôi dày, mỗi lần cười rất thiếu tự tin. Hiện tại, tôi còn thường xuyên ê buốt khó chịu dọc hai bên cơ hàm lên tận thái dương. Cảm giác rất hối hận vì đã bỏ số tiền lớn đi làm răng”, chị M. tâm sự.
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương (Hà Nội), các bác sĩ chẩn đoán chị M. bị lệch khớp cắn vì làm răng thẩm mỹ không đúng kỹ thuật.
Trường hợp khác là chị N.P.A (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị men răng đen xỉn do nhiễm tetraxicline, được tư vấn làm răng sứ, cam kết đảm bảo trọn đời. Tuy nhiên, hàm răng trắng tinh lại không hợp với làn da ngăm. Khuôn răng thiết kế không đều đẹp và thiếu tự nhiên. Đặc biệt, chị còn bị viêm lợi rất nặng, đánh răng và chạm nhẹ cũng chảy máu.
Bác sĩ Hương khám cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các ca biến chứng sau khi làm răng thẩm mỹ. Theo PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, hiện nay, dịch vụ làm răng sứ thẩm mỹ tràn lan, thậm chí các phòng khám răng bình thường chỉ lấy cao răng, nhổ răng cũng tư vấn làm răng thẩm mỹ cho khách. Tuy nhiên, quá trình làm răng thẩm mỹ cũng rất khắt khe, đòi hỏi đúng đối tượng và yêu cầu bác sĩ có tay nghề.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Hiệp hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, không phải ai cũng có chỉ định làm thẩm mỹ răng. Đặc biệt, những trường hợp răng yếu không được phép thực hiện. Bởi việc mài răng sẽ dẫn đến ê buốt, một số phải điều trị tủy. Bên cạnh đó, việc chỉ định làm răng thẩm mỹ không đúng có thể dẫn đến viêm nha chu kéo dài, thời gian điều trị lâu tốn kém, ảnh hưởng đến tủy răng.
Tiến sĩ, bác sĩ Chu Quỳnh Hương, Trưởng khoa Phục hình Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết hiện nay, nhu cầu làm đẹp răng, bọc sứ là chính đáng. Tuy nhiên, người dân cũng hết sức cẩn trọng, tham khảo, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp để có được hàm răng tốt, đẹp và tránh biến chứng.
Ví dụ, đối với răng bị nhiễm tetraxicline, men có ánh xám, việc dán sứ thuỷ tinh sẽ làm lộ ánh màu xỉn ra ngoài. Theo bác sĩ Hương, trường hợp này cần được sử dụng phương pháp dán sứ bằng vật liệu cản được màu xám, giúp khắc phục được tình trạng xỉn màu của răng do bị nhiễm tetraxicline.
Trước tình trạng dịch vụ thẩm mỹ răng ngày càng nở rộ, các bác sĩ khuyến cáo khi muốn làm răng thẩm mỹ, người dân nên tìm hiểu rủi ro có thể xảy ra, chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn… Sau khi bọc răng sứ, cần lưu ý thăm khám định kỳ, sàng lọc nguy cơ từ 6 tháng đến 1 năm/lần đề phòng ngừa biến chứng.
Bạn thấy bài viết Hối hận sau khi chi hơn 100 triệu đồng làm răng sứ thẩm mỹ có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Hối hận sau khi chi hơn 100 triệu đồng làm răng sứ thẩm mỹ bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Hối hận sau khi chi hơn 100 triệu đồng làm răng sứ thẩm mỹ của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay