Liên tiếp các trường hợp trẻ nhập viện do tự tử
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp trẻ tự tử bằng thuốc Paracetamol. Cụ thể, bệnh nhi L.T.M.P. (13 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) được đưa đến viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều.
Qua lời kể của người nhà, do bị bạn bè cô lập, bắt nạt nên P. đã uống cùng lúc 30 viên Paracetamol 500mg (loại thuốc được dùng để điều trị giảm đau, hạ sốt). May mắn, người nhà kịp thời phát hiện và đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã dùng thuốc giải độc và truyền dịch tăng thải độc chất cho bệnh nhi.
Tương tự, một trẻ 13 tuổi ở TP. Vinh cũng được đưa đến viện cấp cứu sau khi uống cùng lúc 24 viên thuốc Paracetamol 500mg để tự tử do mâu thuẫn với gia đình. Sau 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe cả 2 trẻ đều đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Gia tăng tình trạng trẻ vị thành niên tự tử phải nhập viện cấp cứu. Ảnh minh họa.
Dù may mắn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng những trường hợp này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên đang có xu hướng gia tăng. Trước đó, tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận và điều trị cho không ít những trường hợp trẻ “nghĩ quẩn” do giận cha mẹ, do điểm kém, do uất ức vì bị bạn bè trêu chọc hay do chuyện tình cảm ở lứa tuổi học đường.
Đơn cử, tháng 7/2024, một nam sinh ở Hà Nội được đưa đến Bệnh viện E cấp cứu trong tình trạng có vết thương ở tay và cổ do dùng dao cắt. Người nhà cho biết, sau kỳ thi vào lớp 10, học sinh này chán nản, không dám về nhà vì điểm số không như kỳ vọng. Sau khi được cấp cứu qua cơn nguy kịch, sức khỏe thể chất ổn định, bệnh nhân này được chuyển qua điều trị về sức khỏe tâm thần.
Hay một trường hợp bệnh nhi 13 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Được biết, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương nên đã có hành động dại dột. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn để lại tổn thương trong tinh thần của trẻ về sau.
Tại sao gia tăng tự tử ở trẻ vị thành niên?
Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Mai Hương – Phụ trách khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ vị thành niên (từ 10 – 19 tuổi) là độ tuổi có những thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý. Giai đoạn này, trẻ trải qua sự biến đổi về cơ thể, dậy thì, phát triển hormone và nhu cầu muốn độc lập. Đây là giai đoạn rất phong phú về mặt cảm xúc nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.
Theo ThS.BS Nguyễn Mai Hương, tự tử là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, đang ngày càng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 ở trẻ em và thanh niên từ 15-30 tuổi.
Tại Việt Nam, theo một khảo sát về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông được thực hiện bởi UNICEF Việt Nam cho thấy, cứ khoảng 6 trẻ thì có 1 trẻ đã từng suy nghĩ nghiêm túc đến việc tự tử trong vòng 12 tháng qua.
Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi phải có những biện pháp phát hiện sớm, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ cho những học sinh, trẻ vị thành niên có suy nghĩ, ý tưởng, hành vi tự tử.
ThS.BS Nguyễn Mai Hương – Phụ trách khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương khám và tư vấn cho trẻ tại bệnh viện. Ảnh: BSCC.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử ở tuổi vị thành niên, BS Hương cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử ở lứa tuổi này. Trong đó, một trong những yếu tố chính là các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, căng thẳng do áp lực học tập, mâu thuẫn gia đình hoặc các mối quan hệ bạn bè.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, bạo lực học đường cũng là nguyên nhân lớn khiến nhiều trẻ rơi vào trạng thái suy sụp, bị cô lập hoặc bị tấn công cả về thể chất và tâm lý.
Bên cạnh đó, theo BS Hương, những biến động cảm xúc mạnh mẽ trong lứa tuổi này khiến trẻ đôi khi không thể lựa chọn những cách ứng phó thích hợp, dẫn đến những hành vi tự tử. Đó có thể được coi là hành vi né tránh khi trẻ gặp những căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột, bế tắc khó giải quyết trong cuộc sống.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ tự tử
Theo ThS.BS Nguyễn Mai Hương, việc nhận diện sớm hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên rất quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo, từ những lời nói, sự thay đổi cảm xúc rõ ràng đến các dấu hiệu kín đáo của trẻ.
Một số dấu hiệu cần chú ý bao gồm:
– Trẻ trở nên chán nản, ngại giao tiếp, thu mình, thường xuyên nói về những điều tiêu cực.
– Trẻ có những lời dặn dò với người thân hoặc tìm kiếm thông tin về tự tử.
– Trẻ thay đổi hành vi và cảm xúc rõ rệt mà không có lý do rõ ràng, như chán học, xa lánh bạn bè, hay thể hiện sự tuyệt vọng.
– Đặc biệt, khi trẻ bày tỏ suy nghĩ về tự tử, cha mẹ không nên chủ quan, vì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng cần được lắng nghe và chia sẻ.
“Hành vi tự tử có thể ngăn ngừa nếu cha mẹ nhận thức đầy đủ về nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo“, BS Hương nhấn mạnh.
Theo đó, để phòng ngừa hành vi tự tử, vị chuyên gia này khuyến cáo, cha mẹ cần chủ động lắng nghe, chia sẻ và luôn ở bên trẻ, tránh để trẻ cảm thấy cô đơn. Một trong những sai lầm phổ biến của cha mẹ đó là coi việc trẻ chia sẻ ý tưởng tự tử chỉ là lời đe dọa, điều này có thể tăng nguy cơ thực hiện hành vi.
Đáng lưu ý, tự tử ở trẻ thường xảy ra vào giai đoạn cuối cấp, nhất là sau các kỳ thi căng thẳng và kết quả không như mong đợi. Do đó, thay vì ép trẻ vào khuôn mẫu, cha mẹ nên tôn trọng khả năng và sự phát triển của trẻ, đồng thời giúp trẻ cải thiện những điểm yếu.
Trong giai đoạn này, trẻ đang phát triển mạnh mẽ về “cái tôi” và có nhu cầu lớn về độc lập, tự thể hiện. Nếu bị kiểm soát quá mức, trẻ có thể cảm thấy ngột ngạt và phản ứng tiêu cực, dẫn đến sự xa cách với gia đình.
Hãy dạy trẻ kỹ năng sống cơ bản, đặc biệt là cách ứng phó với căng thẳng, thay đổi và vượt qua khó khăn. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ đối mặt với thử thách trong cuộc sống một cách tự tin và không cảm thấy cô đơn khi gặp khó khăn.
Ngoài ra, với những trẻ có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ cần loại bỏ vật dụng nguy hiểm, tạo không gian an toàn và tìm đến chuyên gia tâm lý khi cần. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhập viện và can thiệp y tế kịp thời sẽ giúp trẻ điều trị và vượt qua khủng hoảng, xây dựng nền tảng tâm lý vững chắc để phát triển khỏe mạnh trong tương lai.
Bạn thấy bài viết Tự tử ở trẻ vị thành niên: Khi con đau mà không nói, cha mẹ cần thấu hiểu những tín hiệu nhỏ để cứu con có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Tự tử ở trẻ vị thành niên: Khi con đau mà không nói, cha mẹ cần thấu hiểu những tín hiệu nhỏ để cứu con bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Tự tử ở trẻ vị thành niên: Khi con đau mà không nói, cha mẹ cần thấu hiểu những tín hiệu nhỏ để cứu con của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay