Tổng hợp mẫu đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 2023

Bạn đang xem: Tổng hợp mẫu đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 2023 tại Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 – Trong qua trình học tập và làm bài tập thì đến mỗi giữa học kỳ sẽ có một đợt kiểm tra dành cho các bạn học sinh, và khi đó giáo viên sẽ phải suy nghĩ ra các đề văn đề các bạn có thể tiến hành kiểm tra. Hôm nay hocmay.vn sẽ gửi tới các thầy cô và các bạn học sinh lớp 12 Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 ở ngay bài viết dưới đây.
Xem thêm bài viết: Top 15 Mẫu phân tích bài thơ chiều tối đạt điểm cao 2023

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 mẫu 1

Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 12

SỞ GD & ĐT …………..

TRƯỜNG THPT …………

KỲ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ IINĂM HỌC 2021 – 2022LỚP 12 MÔN: NGỮ VĂN 11Thời gian làm bài : 90 phút, không kể thời gian phát đề.

Câu hỏi đề thi

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

“Thành đạt trong nghề nghiệp chỉ là một khía cạnh của cuộc sống. Đa số những người thuộc thế hệ trẻ còn phải chấp nhận một thực tế phũ phàng nữa là cuộc sống riêng tư không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đem lại cho họ toàn là những sự mãn nguyện và những niềm vui. Nói với thế hệ trẻ một cách đơn giản rằng nếu cố gắng mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thì chỉ là nói cho có chuyện, là gây ảo tưởng cho những bộ óc ngây thơ. Một giáo sư triết học người Ba Lan nổi tiếng, ông Leszek Kolaczhowski đã từng nói: “Một nền văn hóa thực sự có giá trị là nền văn hóa giúp cho mọi người biết cách chịu đựng thất bại, bởi cuộc sống suy cho cùng không phải gì khác ngoài việc con người đi từ thất bại này đến thất bại khác”. Câu triết lí vừa dẫn có thể làm cho nhiều người lo ngại. Tuy nhiên cần phải ý thức được rằng những khái niệm như “thất bại”, “rủi ro trong suốt một đời”, muốn hay không, vẫn tồn tại như một phần cuộc sống. Nhà thơ Ba Lan Czeslaw Milosz, người được tặng giải thưởng Nobel văn học năm 1980, vừa kỉ niệm ngày sinh lần thứ 90 của mình, khi được hỏi: “Ông có nghĩ mình là người hạnh phúc hay không? đã trả lời gọn lỏn “không”. Câu trả lời làm mọi người suy ngẫm: Một người như ông ta còn nói thế, nói gì đến chúng ta, những con người hết sức bình thường”.

(Trích Nhà trường cần giúp đỡ người học có cách nhìn tương lai đúng đắn của TS. Nguyễn Chí Thuật, dẫn theo báo GD&TĐ, số 45, 46 – 2001)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm): Tại sao tác giả cho rằng: “Thành đạt trong nghề nghiệp chỉ là một khía cạnh của cuộc sống” ?

Câu 3 (1,0 điểm): Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Nói với thế hệ trẻ một cách đơn giản rằng nếu cố gắng mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thì chỉ là nói cho có chuyện, là gây ảo tưởng cho những bộ óc ngây thơ.” không? Vì sao?

Câu 4 (1,0 điểm): Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại.

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở trong truyện Chí Phèo (Nam Cao) và nồi cháo cám của bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt (Kim Lân).

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Lời Giải đề thi

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính nghị luận.

Câu 2: Tác giả cho rằng: “Thành đạt trong nghề nghiệp chỉ là một khía cạnh của cuộc sống”, bởi lẽ, thành đạt trong nghề nghiệp chỉ là một phương diện, một phần của cuộc sống; mà con người ngoài nghề nghiệp còn quan tâm, phấn đấu trong nhiều lĩnh vực khác. Và thành công trong nghề nghiệp không phải là tất cả đối với cuộc đời mỗi người.

Câu 3: Lựa chọn các phương án:

– Nếu đồng tình cần lập luận theo hướng: Cuộc sống không bao giờ đơn giản, một chiều, mà nó là hành trình của những niềm vui- nỗi buồn, thành công và thất bại. Có những việc bản thân đã nỗ lực nhưng vẫn không thể đạt được như mong muốn. Vì vậy mỗi người hãy chủ động trước những biến động của cuộc đời

– Nếu phản đối, cần lập luận theo hướng: Có rất nhiều những thử thách trong cuộc sống của con người, tuy nhiên bằng ý chí, nghị lực và niềm tin con người có thể vượt qua mọi trở ngại. Vì thế, đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống. Hãy sống lạc quan và tin rằng cuộc sống là tốt đẹp. Thành công, hạnh phúc sẽ đến với những con người sống có ước mơ, và luôn suy nghĩ và hành động tích cực.

– HS có thể lập luận theo hướng khác. Nếu vừa đồng tình, vừa phản đối, học sinh có thể kết hợp hai hướng lập luận trên hoặc theo hướng khác nhau nhưng phải chặt chẽ, hợp lí, không trái với đạo đức và pháp luật.

Câu 4: HS trình bày hợp lí, thuyết phục về thông điệp của đoạn trích có ý nghĩa nhất với mình. Tham khảo một số thông điệp sau:

+ Hãy biết vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống

+ Không nên tuyệt đối hóa sự thành đạt trong nghề nghiệp

+ Biết cách chịu đựng thất bại

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại.

* Yêu cầu chung

– Viết đúng hình thức 01 đoạn văn (200 chữ).

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể: Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận.

– Giải thích: Tình yêu là bản chất của trái tim con người. Tình yêu là sự trao và nhận yêu thương, sự quan tâm ân cần. Tình yêu có biết bao nhiêu cung bậc, thường thì khi trao tình yêu người ta mong được đáp lại. Nhưng tình yêu không hẳn lúc nào cũng công bằng như thế, có người trao đi và không nhận lại. Vì người ta trao đi và không cần được đáp lại.

– Bàn luận:

+ Tại sao lại có người chỉ trao tình yêu mà không cần nhận lại?

• Vì trái tim hoạt động theo qui luật của riêng nó, không phụ thuộc vào lí trí, nên đôi khi người trao biết là không thể ép buộc sự đền đáp của tình yêu.

• Vì có những tình yêu cao thượng không trông chờ sự đáp lại.

• Ví dụ: Tình cảm yêu thương bố mẹ trao cho con cái; tình cảm ân cần, sẻ chia dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn…

+ Tuy nhiên, tình cảm cần chân thành, phù hợp. Có những tình cảm cần từ hai phía như tình yêu nam nữ, tình bạn. Nếu chỉ có một bên trao thì không thể có một tình cảm đẹp.

+ Bài học nhận thức và hành động:

• Cần biết trân trọng tình cảm của mọi người dành cho mình.

• Bồi dưỡng tâm hồn, trái tim để biết yêu thương, sẻ chia mà không phải lúc nào cũng cần được đáp lại.

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở trong truyện Chí Phèo (Nam Cao) và nồi cháo cám của bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt (Kim Lân).

* Yêu cầu chung

– Viết đúng hình thức 01 bài văn.

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

*Yêu cầu cụ thể

– Khái quát chung:

+ Giới thiệu Nam Cao, truyện Chí Phèo và chi tiết bát cháo hành.

+ Giới thiệu Kim Lân, truyện Vợ nhặt và chi tiết nồi cháo cám.

– Cảm nhận

+ Hình ảnh bát cháo hành:

• Sự xuất hiện: Hình ảnh này xuất hiện ở phần giữa truyện. Chí say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở – Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí bị cảm, Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn.

• Về nội dung:

‣ Hình ảnh bát cháo hành thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí.

‣ Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà lần đầu tiên Chí được hưởng.

‣ Là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí: gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí.

• Về nghệ thuật:

‣ Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật.

‣ Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng Nam Cao: tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của tình người.

+ Hình ảnh nồi cháo cám:

• Sự xuất hiện: Hình ảnh này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.

• Về nội dung:

‣ Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945.

‣ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:

º Bà cụ Tứ gọi cháo cám là “chè khoán”, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con. Ở bà hiện lên hình ảnh người mẹ nhân hậu, thương con, và có tinh thần lạc quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm không khí vui vẻ hơn.

º Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Chứng tỏ, Thị không còn nét cách chỏng lỏn như xưa nữa mà đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

• Về nghệ thuật: Chi tiết góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.

– So sánh:

+ Tương đồng:

• Cả 2 hình ảnh đều là biểu tượng của tình người ấm áp.

• Đều thể hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở Chí Phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, bát cháo hành rất bình di, thậm chí là nhỏ bé, tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi cướp giật. Ở Vợ nhặt, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt.

• Đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của các nhà văn.

+ Khác biệt:

• Bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của xã hội thực dân nửa phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam Cao.

• Nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

+ Lí giải sự giống và khác nhau đó:

• Về nội dung:

‣ Do hai nhà văn đều viết về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Họ đều chịu ảnh hưởng bởi cái đói do phát xít thực dân mang lại.

‣ Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của lí tưởng Cách mạng với mỗi nhà văn. Nam Cao có cái nhìn bi quan, bế tắc về số phận của người nông dân. Kim Lân có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

• Về nghệ thuật:

‣ Nhà văn miêu tả nhân vật đặc sắc từ chân dung, tính cách đến đời sống tâm lí phong phú, đa dạng; khắc họa thành công nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

‣ Giọng điệu tự sự xen lẫn trữ tình, ngôn ngữ đa thanh, đa giọng, mang tính triết lí sâu sắc về cuộc sống và thân phận con người.

– Đánh giá chung: Tóm lại, mỗi chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm lại hiện lên với vẻ đẹp khác nhau, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của cốt truyện, đem đến cho người đọc những áng văn bất hủ, giàu giá trị. Nam Cao và Kim Lân chính là những “hóa công” đã xây nên hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, đầy ý nghĩa này.

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 mẫu số 2

Đề Thi

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blog của một người bạn.

(2) Bạn ấy viết rằng: “Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình.

(3) Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng.

(4) Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố.

(5) Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp li ca cao nóng và bàn chuyện chiến sự… thế giới cùng anh em chiến hữu…”.

(6) Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?

(7) Ừ nhỉ!

(8) Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc.

(9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta…

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.

Câu 2 (1,0 điểm): Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”?

Câu 3 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9).

Câu 4 (0,5 điểm): Anh/chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên.

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.

Câu 2 (5,0 điểm): Nhận xét về giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: Truyện là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.

Bằng việc phân tích tác phẩm, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Lời Giải

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2: Tác giả Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? bởi vì:

– Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.

– Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc.

Câu 3:

– Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản – đối lập.

– Tác dụng:

+ Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.

+ Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.

Câu 4: Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích: Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.

a. Yêu cầu chung:

– Biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, vận dụng tốt các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.

– Đoạn văn mạch lạc, rõ ràng; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

b. Yêu cầu nội dung:

* Giải thích: Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý của con người khi ta cảm thấy vui vẻ, thoả mãn.

* Bàn luận:

– Quan niệm của giới trẻ về hạnh phúc:

+ Hạnh phúc là hưởng thụ.

+ Hạnh phúc là trải nghiệm.

+ Hạnh phúc là sống vì người khác.

+ Hạnh phúc là hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng…

– Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc?

+ Thời đại mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, con người dễ coi trọng lối sống vật chất, vì vậy dễ nảy sinh quan niệm hạnh phúc là hưởng thụ.

+ Thời đại ngày nay cũng đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, vì vậy giới trẻ cũng năng động hơn, dám sống dám trải nghiệm, dám hi sinh vì người khác…

* Bài học nhận thức và hành động:

– Cần có những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc.

– Luôn hoàn thiện mình để hướng tới một hạnh phúc chân chính.

Câu 2: Nhận xét về giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: Truyện là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.

Bằng việc phân tích tác phẩm, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ  phong kiến chúa đất.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:

– Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ trước năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã có một số thành tựu xuất sắc, nhất là về đề tài miền núi. Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn làm nên tên tuổi của ông in trong tập Truyện Tây Bắc.

– Giá trị hiện thực của truyện thế hiện tập chung ở việc tái hiện bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất.

* Giải thích ý kiến:

– Giá trị hiện thực là khả năng tái hiện hiện thực của tác phẩm văn chương. Một tác phẩm có giá trị hiện thực khi miêu tả chân thực, đầy đủ, sinh động hiện thực cuộc sống, giúp người đọc có những hiểu biết sâu sắc về đối tượng mà nhà văn miêu tả.

– Ý kiến là lời đánh giá về một biểu hiện của giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ. Tác phẩm miêu tả đầy đủ, chân thực số phận đau khổ, bất hạnh của đồng bào dân tộc miền núi dưới ách thống trị của bọn phong kiến chúa đất.

* Phân tích – chứng minh:

– Số phận đau khổ của cha mẹ Mị: Vì nghèo nên lấy nhau không có tiền phải vay nợ nhà thống lí, mẹ Mị chết vẫn chưa hết nợ. Cha Mị sống trong đau khổ vì con gái phải làm người ở (danh nghĩa là con dâu) để trả nợ thay mình.

– Số phận đau khổ của Mị:

+ Bị bắt làm con dâu gạt nợ.

+ Bị bóc lột sức lao động tàn tệ.

+ Bị đày đọa về tinh thần.

+ Bị chà đạp lên nhân phẩm.

⇒ Sự đày đọa khiến Mị tê liệt khát vọng sống, tê liệt ý thức đấu tranh, sống như con rùa trong xó cửa, như cái xác không hồn…

– Số phận đau khổ của A Phủ:

+ Sinh ra đã bất hạnh (Bố mẹ, anh em không còn ai, cả làng chết hết vì bệnh dịch, 10 tuổi bị đem bán xuống bản người Thái…)

+ Lớn lên sống kiếp làm thuê, làm mướn, nghèo khó đến nỗi không có tiền cưới vợ.

+ Bị đánh đập, tra tấn dã man, bị phạt vạ, trở thành người làm công trừ nợ cho nhà thống Lí.

+ Vì để hổ ăn thịt mất một con bò mà bị đánh, trói nhiều ngày, có thể sẽ bị chết.

– Số phận đau khổ của những người dân khác:

+ Nhiều người bị trói rồi bỏ quên đến chết.

+ Có những người chưa già nhưng lưng đã còng rạp xuống.

* Nghệ thuật thể hiện

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, mỗi nhân vật được khai thác từ những điểm nhìn khác nhau.

– Miêu tả tâm lí sinh động.

– Ngôn ngữ đậm chất miền núi, lối kể chuyện linh hoạt.

* Đánh giá

– Miêu tả cuộc đời số phận của người lao động miền núi trước cách mạng Tháng Tám, Tô Hoài bày tỏ niềm yêu mến, cảm thông với những bất hạnh của họ.

– Nhà văn còn cất lên tiếng nói lên án, tố cáo chế độ phong kiến chúa đất miền núi đã đày đọa con người, đẩy họ vào cảnh lầm than, bất hạnh.

– Viết tác phẩm, nhà văn đưa người đọc đến với cuộc sống của đồng bào dân tộc, giúp người đọc cảm thông yêu mến những con người nơi đây, từ đó trân trọng những ước mơ, khát vọng, trân trọng sức sống tiềm tàng, khả năng tự giải phóng và tìm đến cách mạng của họ.

d. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Đảm bảo đúng nguyên tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 12

SỞ GD & ĐT …………..

TRƯỜNG THPT …………

KỲ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ IINĂM HỌC 2021 – 2022LỚP 12 MÔN: NGỮ VĂN 11Thời gian làm bài : 90 phút, không kể thời gian phát đề.

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Chắc có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng luôn đi tìm cho mình một câu trả lời về đất nước. Đất nước vốn là khái niệm trừu tượng, mà thoạt đầu con người khó có thể cắt nghĩa cho thật gãy gọn, rõ ràng. Nhưng những người thân như ông bà, cha mẹ, anh em… thì lại vô cùng cụ thể và được mỗi người cảm nhận trong những mối quan hệ cũng vô cùng cụ thể. Đó là mối quan hệ gắn bó máu thịt hình thành ngay từ khi ta cất tiếng khóc chào đời và sẽ đi theo ta suốt cuộc đời với biết bao biến cố, thăng trầm, buồn vui, hi vọng…

Từ cái nôi gia đình, mỗi người đều có một tuổi thơ gắn liền với kỉ niệm về cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre, mái trường, thầy cô, bè bạn. Theo thời gian, những kỉ niệm ấy dần dần trở thành sợi dây tình cảm neo giữ tình yêu của mỗi con người với gia đình, quê hương… Và có thể nói, chính tình yêu đối với gia đình, quê hương sẽ khơi nguồn cho tình yêu đất nước.”

Câu 1: Nêu nội dung và xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên

Câu 2: Hãy tìm câu chủ đề của đoạn văn. Từ đó, cho biết đoạn văn được triển khai theo phương pháp nào?

Câu 3: Tại sao tác giả nói: Đất nước vốn là khái niệm trừu tượng, mà thoạt đầu con người khó có thể cắt nghĩa cho gãy gọn, rõ ràng.

Câu 4: Từ văn bản trên, anh/chị hãy nên suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thanh niên với đất nước (Trình bày khoảng 6 đến 8 dòng)

Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/chị hãy biết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến nên trong phần đọc hiểu: Gia đình và quê hương là chiếc nôi nâng đỡ cuộc đời con.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã ba lần nói tới “nắm lá ngón”. Những ngày Mị mới về làm dâu nhà thống lý Pá Tra: “Mị ném nắm lá ngón xuống đất. Nắm lá ngón Mị đã đi tìm hái trong rừng, Mị vẫn giấu trong áo. Thế là Mị không đành lòng chết”.

Khi đã chấp nhận trở lại làm dâu nhà thống lý: Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn nghĩ Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa.

Trong đêm tình mùa xuân: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”.

Phân tích tâm lý nhân vật Mị qua 3 lần xuất hiện hình ảnh nắm lá ngón trên. Từ đó, anh/chị hãy làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật Mị.

(Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

Đáp án đề thi giữa kì 2 Văn 12

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Câu 1:

– Nội dung chính: Bàn về tình yêu đất nước được bắt nguồn từ tình yêu gia đình, yêu quê hương

– PTBĐ: Nghị luận

Câu 2:

– Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn

– Đoạn văn triển khai theo phương pháp quy nạp

Câu 3:

Giải thích:

– Đất nước là những gì hiện hữu quanh ta, là tất cả từ vật chất đến tâm hồn.

– Khái niệm về đất nước được mỗi người hiểu theo một khía cạnh khác nhau. Với người này là thiên nhiên, cảnh vật,…với người kia là cha mẹ, gia đình,…

– Thoạt đầu chính ta cũng khó mà định nghĩa cho trọn vẹn khái niệm đất nước.

– Trong trái tim của mỗi người dân đất Việt có dòng máu Lạc Hồng đang chảy và ngân vang muôn điệu về dòng giống Rồng tiên.

Câu 4:

– Học sinh có thể trình bày suy nghĩ riêng của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với đất nước. Viết đoạn văn đảm bảo các ý:

– Vì sao thế hệ trẻ lại cần phải có trách nhiệm với đất nước?

– Trách nhiệm đó là gì?

– Để thực hiện trách nhiệm đó cần phải làm gì?

PHẦN II: LÀM VĂN

Câu 1:

– Nêu vấn đề

– Giải thích:

+ Gia đình là nơi có mẹ, có cha, có những người thân yêu như ruột thịt của mỗi chúng ta. Đó là nơi bao bọc, che chở, nâng đỡ mỗi con người trên bước đường trưởng thành.

+ Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi con người khi chào đời. Nơi đó có mọi người ta quen biết thân thiết, có cánh diều vi vu, có những kỉ niệm bên bạn bè, người thân,…

+ Chiếc nôi nâng đỡ nghĩa là từ thuở còn nằm trong nôi, mỗi người đều được ươm ủ trong những câu hát ru à ơi đầy yêu thương của mẹ, của bà. Không những thế “chiếc nôi” ấy còn là sự bao bọc, chở che cho con người sau hành trình dài lưu lạc khi tìm về chốn cũ thân thương.

Như vậy: gia đình và quê hương chính là nguồn cội, là nơi bắt đầu để hình thành tình yêu thương trong mỗi con người.

– Bàn luận:

+ Gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là “chiếc nôi” của trẻ thơ. Ở nơi đó có đầy ắp tình thương và niềm tin trao gửi. Ở nơi ấy, đứa trẻ được lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc, chở che. Một gia đình trong đó cha mẹ luôn thương yêu, chăm sóc và tôn trọng nhau sẽ để lại dấu ấn tuyệt đẹp trong đời sống tâm lý của trẻ.

+ Gia đình và quê hương là bến đỗ bình yên cho mỗi con người. Dù ai đi đâu, về đâu cũng sẽ luôn tự nhắc nhở phải nhớ về quê hương.

+ Mỗi người chỉ có một nguồn cội

– Bài học nhận thức và hành động:

Câu 2:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm

* Giới thiệu nhân vật Mị

– Nhan sắc: Trai đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị

– Tài năng: Thổi sáo, thổi lá

– Phẩm chất tốt đẹp.

=> Mị xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của cường quyền, thần quyền vùi giập.

* Phân tích hình ảnh nắm lá ngón trong ba lần xuất hiện:

Lần thứ nhất:

– Bối cảnh xuất hiện: Khi mới về làm dâu nhà thống lý, nỗi đau đớn tủi cực khiến Mị sống không bằng chết. Cô tìm về cha, định từ biệt cha rồi ăn lá ngón tự tử.

– Nội dung, ý nghĩa:

+ Lá ngón xuất hiện đầu tiên như một lối thoát. Đây là lối thoát ngắn và hữu hiệu nhất. Nhưng đây là lối thoát cho những ai muốn chấm dứt hiện tại nghiệt ngã chứ không phải lối thoát cho người muốn sang trang mới. Rõ ràng, đây là sự phản kháng quyết liệt nhưng vô vọng – một hình thức phản kháng bị động.

+ Tố cáo sự dã man, tàn bạo của xã hội ép buộc người dân lương thiện đến bước đường cùng.

Lần thứ hai:

– Bối cảnh xuất hiện: Khi Mị chấp nhận quay trở về nhà thống lý, tiếp tục sống kiếp dâu gạt nợ. Dần dần ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi, ý thức phản kháng mất đi, Mị không còn nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tử nữa.

– Nội dung, ý nghĩa:

+ Lá ngón phai mờ tượng trưng cho lòng ham sống đã nguội lạnh

+ Sự buông bỏ là kết cục của cuộc đấu tranh trong đơn độc, dai dẳng cuối cùng kết thúc bằng sự mệt mỏi và tuyệt vọng.

Lần thứ ba:

– Bối cảnh xuất hiện: đêm tình mùa xuân với tiếng sáo làm hồi sinh sức sống trong Mị.

– Nội dung, ý nghĩa:

+ Lá ngón lần nữa xuất hiện với tầng ý nghĩa giải thoát Mị khỏi địa ngục trần gian.

+ Đánh dấu sự trở lại của ý thức sống, đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn tưởng chừng như đã “chết đi trong cõi sống”.

* Đánh giá về chi tiết “nắm lá ngón”

– Cho thấy đầy đủ chân dung nhân vật Mị – một cô gái miền núi với sức sống mãnh liệt

– Góp phần truyền tải đầy đủ tư tưởng, nội dung mà tác giả muốn gửi gắm

+ Giá trị hiện thực: Phơi bày thực trạng xã hội phong kiến miền núi lúc bấy giờ

+ Giá trị nhân đạo: Bày tỏ sự đồng cảm của tác giả, lên án tố cáo xã hội.

Bạn thấy bài viết Tổng hợp mẫu đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 2023 có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Tổng hợp mẫu đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 2023 bên dưới để Trường TH Đông Phương Yên có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Trường TH Đông Phương Yên

Nhớ để nguồn bài viết này: Tổng hợp mẫu đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 2023 của website daihocdaivietsaigon.edu.vn

Chuyên mục: Kinh nghiệm hay

Xem thêm chi tiết về Tổng hợp mẫu đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 2023
Xem thêm bài viết hay:  Cách làm sốt chua ngọt chuẩn công thức, làm cực kỳ đơn giản tại nhà

Viết một bình luận