Savior Complex là gì? Khi lòng tốt là con sói đội lốt cừu!

Bạn đang xem: Savior Complex là gì? Khi lòng tốt là con sói đội lốt cừu! tại Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn

Savior Complex là gì? Vũ trụ điện ảnh của Marvel thường khắc họa hình ảnh những siêu anh hùng luôn ra tay cứu rỗi nhân loại khỏi thống khổ. Họ dũng cảm, giỏi giang và được nhiều người ngưỡng mộ. 

Nhưng trên thực tế, trở thành siêu anh hùng có thể sẽ là một ý tưởng tồi tệ. Những người luôn giúp đỡ thường đặt người khác trở thành ưu tiên hàng đầu. Dẫn đến việc họ bỏ bê chính bản thân mình và cảm thấy vô dụng khi không giúp được ai. Đây là một hội chứng tâm lý mang tên Savior Complex. Dù khó nhận ra, nhưng có thể bạn cũng đang làm “siêu anh hùng” đấy. 

Savior Complex là gì?

Savior complex là hội chứng tâm lý mà một người luôn cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ người khác. Người mắc phải hội chứng tâm lý này thường tìm mọi cách để giúp những người xung quanh giải quyết vấn đề. Họ thậm chí còn sẵn sàng gạt bỏ những ưu tiên của chính mình để lo lắng cho người khác. 

Hội chứng savior complex còn “hiện diện” dưới cái tên White Knight syndrome. Một số cái tên khác là messiah complex hoặc Christ complex. Trong tiếng Việt, hội chứng này được gọi bằng một cái tên rất “oách”. Đó là hội chứng Hiệp sĩ trắng. 

savior complex là gìSavior complex là hội chứng là hội chứng muốn làm “siêu anh hùng”

Có nhiều nguyên nhân khiến một người gặp phải savior complex. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là khi một người tin rằng giúp đỡ mọi người là cách để họ có được sự tôn trọng và mến mộ. Từ đó có một cuộc sống hạnh phúc hơn, trở thành người đặc biệt hơn. 

Biểu hiện của “siêu anh hùng” ở chốn văn phòng

“Siêu anh hùng” có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, dù là trong gia đình, tại trường học, hay tại nơi công sở. Dưới đây là một số biểu hiện để nhận biết bạn có phải “siêu anh hùng” chốn văn phòng hay không: 

Bạn quan tâm thái quá khi ai đó gặp khó khăn

Bạn bị ám ảnh bởi việc phải giúp đỡ và hy sinh cho người khác. Nếu đồng nghiệp của bạn than vãn rằng họ sắp trễ deadline, bạn sẽ chẳng ngần ngại san sẻ task giúp họ. Mặc cho người đó có cần bạn giúp hay không. 

dấu hiệu savior complexLuôn tỏ ra đồng cảm khi ai đó gặp khó khăn trong công việc

Mỗi khi ai đó nhờ bạn làm việc gì, bạn chắc chắn sẽ cố gắng hoàn thành việc đó thật tốt. Dù bạn vẫn còn hàng đống task chưa làm. Với bạn, việc giúp đỡ mọi người khiến cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa hơn. Bạn tin rằng mình được sinh ra để làm hài lòng người khác, kể cả khi chính bạn vẫn còn nhiều vấn đề. 

Ở một khía cạnh nào đó, bạn nghĩ rằng việc tỏ ra thấu hiểu dựng nên một hình tượng tốt về bạn trong lòng người khác. Một người luôn nhân ái, rộng lượng và cao thượng hơn bất kỳ ai khác. Đủ giỏi giang để có thể giúp đỡ người khác trong mọi việc. Đủ tinh tế để nhận biết và đồng cảm với người khác ngay khi họ gặp vấn đề. 

Bạn khó lòng mà từ chối mỗi khi có người nhờ vả bạn. Bởi từ chối đồng nghĩa với việc đóng vai “người xấu”. Một người ích kỷ luôn chỉ biết nghĩ đến bản thân mà không đoái hoài đến sự khốn khổ của nhân loại. Bạn tin là vậy.   

Bạn nghĩ rằng chỉ có bạn mới giải quyết được vấn đề

Theo tiến sĩ tâm lý Maury Joseph, những người mắc hội chứng hiệp sĩ trắng tin rằng họ được sinh ra để thay đổi cuộc sống của người khác. 

Không ai có thể giải quyết được các vấn đề của người khác, trừ họ. Giống như những siêu anh hùng trong các bộ phim điện ảnh vậy. Dù đôi lúc họ cũng chẳng giúp ích được gì cho lắm. 

dấu hiệu savior complexNgười có savior complex tin rằng họ thượng đẳng hơn những người khác

Niềm tin này có thể xuất phát từ việc bạn nghĩ rằng mình “thượng đẳng” hơn người khác. Có thể đến chính bạn cũng không nhận thức được ý nghĩ này. Nhưng nó thường thể hiện rõ trong cách bạn đối xử với mọi người xung quanh. Đặc biệt là với những người thân thiết với bạn. 

Trong công việc, bạn thường đề xuất nhiều giải pháp cho đồng nghiệp của mình khi họ làm sai. Bạn tin rằng những sáng kiến của bạn mới là cách làm đúng nhất để giải quyết vấn đề. Vì thế họ nên nghe theo lời bạn. Nếu có xảy ra mâu thuẫn trong đội nhóm, cũng chính bạn sẽ là người đứng ra bênh vực cho họ.

Bạn muốn thay đổi người khác để họ tốt lên 

Những “siêu anh hùng” nghĩ rằng họ luôn biết điều gì là tốt nhất cho mọi người. Và họ có thể giúp người khác tốt hơn bằng cách thay đổi người đó. 

Biểu hiện thường thấy là bạn luôn muốn đưa ra lời khuyên cho đồng nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Đôi khi còn là lời khuyên cho đời tư của người đó. Dẫu nó không cần thiết, và có lẽ còn chẳng phù hợp với người được khuyên. 

Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ bạn làm vậy vì muốn tốt cho đối phương. Nhưng động cơ thực sự chỉ là để người khác phụ thuộc vào bạn mà thôi.

Bạn vẽ ra một viễn cảnh trong đầu rằng nếu nỗ lực của bạn có thể giúp đồng nghiệp tiến bộ trong sự nghiệp. Vậy thì chắc chắn họ sẽ biết ơn và trân quý bạn. Từ đó luôn tìm đến bạn để xin lời khuyên như một người cố vấn sáng suốt. Chỉ khi đó, bạn mới cảm thấy mình tốt đẹp và có ích cho xã hội.   

dấu hiệu savior complexĐôi khi chẳng ai cần nghe lời khuyên của bạn

Cần hiểu rằng, không một ai có thể thay đổi người khác. Trừ phi chính họ cũng muốn thay đổi để cải thiện bản thân. Đây là điều mà bạn không thể can thiệp hay ép buộc bất cứ ai.  

Do đó, những “đóng góp” của bạn chẳng những không khiến cho đồng nghiệp trân trọng bạn hơn. Mà thậm chí còn khiến họ cảm thấy khó chịu và xa lánh bạn.

Bạn muốn người khác dựa dẫm vào mình

Những người mắc chứng hiệp sĩ trắng chỉ cảm thấy bản thân có ích khi được người khác nhờ vả. Vì thế, bạn sẽ luôn thể hiện mình là người mạnh mẽ, tài giỏi để người khác dựa dẫm vào. 

Nói cách khác, bạn khuyến khích người khác phụ thuộc vào bạn. Bởi chỉ có như vậy thì bạn mới thể hiện được “giá trị” của mình. 

dấu hiệu savior complex“Siêu anh hùng” chỉ cảm thấy có giá trị khi được người khác dựa dẫm 

Chẳng hạn như bạn sẽ luôn chủ động giúp đồng nghiệp của mình điều chỉnh file excel. Thay vì gợi ý cách làm cho họ hoặc khuyên họ nên tự trau dồi thêm kỹ năng của mình. Chính vì vậy, mỗi khi gặp rắc rối với excel, họ sẽ luôn tìm đến bạn để nhờ giúp đỡ. 

Điều này khiến cho bạn cảm thấy mình đang đóng góp giá trị cho công ty và sẽ không tài nào bị thay thế. Nhưng người ta vẫn thường nói “thương trường là chiến trường”. Đồng nghiệp của bạn thực ra chỉ đang ỷ lại vào bạn mà thôi. Nếu không thể hiện tốt trong công việc, bạn vẫn có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. 

Bạn ưu tiên người khác hơn bản thân mình

Hãy tưởng tượng bạn đang vô cùng bận rộn với hàng đống task được cấp trên giao từ đầu tuần. Đó đều là những task quan trọng, và cần phải hoàn thành càng sớm càng tốt. Ấy thế mà đồng nghiệp của bạn lại ngỏ ý nhờ bạn giúp họ làm giùm một số công việc. 

Hết công việc này, đến công việc khác. Đến một lúc nào đó, bạn chợt nhận ra đồng nghiệp của bạn sắp làm xong việc trong ngày của họ rồi. 

Nhưng bạn thì chưa, và có thể bạn sẽ phải tăng ca để làm cho xong việc của mình. Bạn có thấy câu chuyện này quen thuộc không? 

dấu hiệu savior complexNgười mắc chứng savior complex luôn cố làm hài lòng người khác

Có không ít các “siêu anh hùng” sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức hay tiền bạc của mình để hỗ trợ cho người khác. Thậm chí không bận quan tâm đến mớ công việc còn dang dở của họ. 

Nếu đã từng rơi vào trường hợp như thế này, bạn có thể đang nhìn nhận sai về tiêu chuẩn đạo đức của chính mình. Dẫu việc giúp ích cho người khác là điều tốt. Nhưng bạn luôn phải ưu tiên bản thân mình lên hàng đầu. 

Và đừng cảm thấy cắn rứt lương tâm khi từ chối giúp đỡ một ai đó. Bởi họ cũng sẽ ưu tiên chính họ hơn cả bạn mà thôi. Nếu đồng nghiệp tôn trọng bạn, họ sẽ thông cảm cho bạn và tự giải quyết vấn đề của mình.

Vì đâu chúng ta muốn làm “siêu anh hùng”?

Tiêu chuẩn đạo đức quá cao

Theo chuyên gia tham vấn tâm lý Cynthia Catchings, những người mắc chứng hiệp sĩ trắng thường cố gắng kiểm soát cuộc sống của người khác theo ý của mình. 

Đó là cách để họ che đi những khuyết điểm và bất an của bản thân. Và là cách để tự khẳng định bản thân là người tốt. Ám ảnh về việc phải trở thành “siêu anh hùng” có thể đến từ những tiêu chuẩn đạo đức thiếu thực tế. Ví dụ như “để được xem là người tốt, tôi phải luôn nghĩ cho người khác”.  

nguyên nhân savior complex
Tiêu chuẩn đạo đức quá cao đôi khi lại là một vấn đề

Làm “siêu anh hùng” đem đến một cảm giác quyền lực và cao thượng. Thể như bạn đang là một đấng toàn năng giải cứu nhân loại. Cảm giác này có thể khiến cho chúng ta tự huyễn hoặc rằng không ai có thể cứu rỗi người khác ngoài mình. 

Đây là một ảo tưởng thiếu thực tế, do đó có thể gây hại cho cuộc sống tinh thần của bạn. Đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh.

Có gia đình bất hòa

Nhiều người mắc hội chứng này cũng đến từ những gia đình không êm ấm. Trong kiểu gia đình này, vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên được phân chia một cách ràng buộc, cứng nhắc. Đồng thời hình thành sự phụ thuộc lẫn nhau cả về thể chất lẫn tinh thần ở những thành viên trong gia đình. 

nguyên nhân savior complexSavior complex thường xuất hiện ở những người có tuổi thơ không êm ấm

Người lớn lên từ kiểu gia đình này nhận thức rằng tình yêu thương của bố mẹ họ là có điều kiện. Do đó, để nhận được tình thương đó, họ phải luôn tỏ ra có ích bằng cách giúp đỡ và vâng lời cha mẹ. 

Tư tưởng này đi theo những người này đến khi trưởng thành. Do đó khi lớn, họ luôn phải phụ thuộc tinh thần vào người khác. Họ sẵn lòng giúp đỡ mọi người chỉ để có được sự công nhận và mến mộ từ người khác. 

Là con cả trong gia đình

Thông thường, người con cả trong một gia đình nhiều con cái thường dễ mắc chứng savior complex. Từ khi còn bé, những người con cả đã được gia đình kỳ vọng sẽ trở nên nổi bật nhất, giỏi nhất. Để đủ điều kiện trở thành người san sẻ trách nhiệm với cha mẹ mình. 

nguyên nhân savior complexNhững người là con cả có khả năng mắc savior complex cao nhất

Khi lớn lên, con cả có nhiều khả năng là người thành công nhất, bản lĩnh và độc lập nhất. Họ quen với việc được nhiều người tin cậy và phụ thuộc vào mình. Với họ, đó là một kiểu hữu hình của quyền lực. Do đó, họ sẽ nảy sinh ham muốn làm “siêu anh hùng” để bảo toàn vị thế của mình trong mắt người khác.

Savior Complex ảnh hưởng đến “thân chủ” như thế nào?

Không phải cứ mỗi khi ai đó gặp khó khăn là họ sẽ cần được giúp đỡ. Nếu bạn có thể tự xoay sở để giải quyết vấn đề của mình, thì người khác cũng vậy. 

Nếu bạn cố gắng thay đổi một người trong khi họ vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi. Thì mọi nỗ lực của bạn thật ra chỉ là công cốc mà thôi. Chưa kể, việc giúp đỡ người khác một cách mù quáng sẽ khiến bạn gặp những vấn đề sau đây: 

Savior complex khiến bạn bị kiệt sức

Bất kỳ công việc nào cũng sẽ có ít nhiều thử thách. Chúng ta đều cần phải đối mặt với những thử thách đó nếu muốn thăng tiến trong công việc. Vì chỉ có như vậy thì chúng ta mới trưởng thành và phát triển được. 

white knight syndromeSavior complex có thể khiến bạn kiệt sức

Nếu bạn quá chú tâm vào việc giải quyết vấn đề của đồng nghiệp. Sau cùng, bạn sẽ chẳng còn thời gian và năng lượng để giải quyết công việc của chính mình. Bạn sẽ cảm thấy bị kiệt sức, mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Từ đó thiếu minh mẫn khi làm việc, không thể hiện được năng lực của mình một cách trọn vẹn. 

Và thế là người khác sẽ làm việc hiệu suất hơn, được thăng tiến và có mức sống ổn định. Còn bạn thì cứ mãi sa sút, thua kém đồng nghiệp của mình.

Savior complex khiến bạn mâu thuẫn với đồng nghiệp

Nếu bạn tưởng rằng việc giúp đỡ và bảo ban đồng nghiệp của mình sẽ khiến họ yêu mến bạn hơn, thì bạn đã lầm to!

Vì khi thể hiện cho người khác thấy bạn có thể giúp cho họ vượt qua khó khăn. Bạn đang phần nào chứng tỏ rằng bạn giỏi giang và từng trải hơn họ. Và rằng họ sẽ không thể làm nên trò trống gì mà không có bạn cả. 

white knight syndromeSavior complex sẽ khiến bạn gặp mâu thuẫn với đồng nghiệp

Điều đó sẽ khiến cho những người được bạn giúp chẳng những không trân trọng bạn. Mà còn thêm phần khó chịu và xa lánh bạn hơn. Vì họ cảm thấy bạn đang không tôn trọng thực lực cũng như cảm xúc của họ. 

Cũng giống bạn, không ai muốn cảm thấy mình là người bất tài và vô dụng. Nhưng khi bạn gạt họ sang một bên và chỉ tập trung “giúp đỡ” họ, cho dù họ không cần điều đó. Nó khiến cho đối phương tin rằng bạn đang không hài lòng điều gì ở họ. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt như vậy góp phần tạo ra một môi trường làm việc không lành mạnh chút nào. 

Savior complex khiến bạn cảm thấy thất bại

Hội chứng hiệp sĩ trắng khiến bạn tin rằng bạn có khả năng thay đổi cuộc đời người khác. Trên thực tế, đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Không một ai, kể cả bạn, có thể thay đổi người khác. 

Những ảo tưởng này khiến cho bạn luôn cố gắng giúp đỡ người khác để chứng minh những gì bạn nghĩ là đúng. Để rồi nếu như mọi chuyện không như bạn nghĩ, bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và thất bại. 

Cảm giác thất bại là không thể tránh khỏi

Vì việc giúp đỡ mọi người có một mối liên kết chặt chẽ với giá trị bản thân của bạn. Vậy nên nếu bạn không thể “cứu rỗi” được ai trong một thời gian dài. Bạn sẽ cảm thấy bản thân thật vô dụng.

Từ đó khắt khe với chính mình hơn, cảm thấy tội lỗi và bất mãn với hiện thực. Bạn sẽ liên tục nhảy việc cho đến khi tìm kiếm được một môi trường mà mọi người công nhận khả năng và sự giúp đỡ của bạn. 

Savior complex dễ gây ra vấn đề tâm lý

Hội chứng savior complex không được đề cập trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM). Vậy nên nó không phải là một chứng rối loạn tâm thần hay được chẩn đoán là bệnh. 

Savior complex dễ dẫn đến những vấn đề tâm lý

Tuy nhiên, cảm giác thất bại khi không giúp đỡ được người khác có thể khiến bạn gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng về tâm lý. 

Chẳng hạn như: trầm cảm, mất khả năng kiểm soát bản thân, khắt khe với bản thân và những người xung quanh. Thậm chí, bạn sẽ nảy sinh cảm giác thù ghét với những người từ chối sự giúp đỡ của bạn. 

Savior Complex ảnh hưởng đến người khác như thế nào?

Dù có ý tốt, nhưng việc giúp đỡ người khác vô tội vạ ảnh hưởng đến những người xung quanh nhiều hơn bạn nghĩ. 

Chẳng hạn như nếu bạn ngỏ lời phụ giúp đồng nghiệp của bạn làm một task gì đó mà bạn không có kinh nghiệm trước đó. Việc đó sẽ chỉ khiến cho cả bạn, và đồng nghiệp của bạn mất thêm thời gian mà kết quả lại không tốt như mong đợi. 

Đừng giúp nếu việc đó nằm ngoài khả năng của bạn

Thêm nữa, nếu chỉ lo giúp cho đồng nghiệp của bạn hoàn thành công việc, thay vì tập trung làm tốt việc của mình. Bạn có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ làm việc chung của cả công ty. Lâu dần, sự trì trệ trong công việc của bạn có khả năng sẽ khiến công ty thiệt hại rất nhiều tiền. Hoặc hình ảnh của công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Làm thế nào để thoát khỏi Savior Complex?

Trở thành “siêu anh hùng” kéo theo rất nhiều áp lực không đáng có. Ngoài ra, bạn còn có nguy cơ rơi vào các mối quan hệ không lành mạnh với bạn bè, đồng nghiệp. Nếu bạn đang rối bời vì không biết làm sao để thoát khỏi tình trạng này, điều đầu tiên cần làm là hãy thẳng thắn đối mặt với vấn đề. 

Tin vui là bạn hoàn toàn có thể thay đổi được điều này. Dưới đây là một số cách hiệu quả để giúp bạn thoát khỏi hội chứng savior complex:

Hiểu rằng bạn chỉ kiểm soát được chính bạn

Ai cũng đều phải đối mặt với những khó khăn và thử thách ít nhất một lần. Bởi đó là một phần của cuộc sống. Mà cuộc sống thì không có chỗ cho những ảo tưởng viển vông xảy ra. 

Dù thế nào đi chăng nữa, vấn đề của người khác sẽ không bao giờ là mối bận tâm của bạn. Mỗi người nên tự giải quyết vấn đề của mình một cách độc lập. 

Không ai có thể kiểm soát người khác trừ chính họ

Dĩ nhiên là bạn vẫn có thể giúp đỡ họ. Thế nhưng bạn vẫn cần phải nhớ rằng, dù có thân thiết đến cách mấy, thì bạn cũng không có trách nhiệm phải gánh vác vấn đề của người khác. 

Có thể cách người khác xử lý vấn đề của họ khiến bạn không đồng tình lắm. Nhưng nếu thực sự yêu quý một người, bạn nên cho người đó cơ hội được học hỏi từ những sai lầm và tự trưởng thành hơn. 

Bất kể người đó có lựa chọn điều gì, dù nó có phù hợp với họ hay không, hãy tin rằng đó là những gì họ thấy tốt nhất với họ vào thời điểm đó. 

Thấu hiểu thay vì đòi giải quyết

Rõ ràng là thật khó cưỡng lại cảm giác muốn bắt tay vào giải quyết vấn đề khi chúng ta thấy nó xuất hiện. Nhưng nếu đó là vấn đề của người khác, hãy kiên nhẫn với họ hơn một chút. 

Rất có thể họ tìm đến bạn và tâm sự với bạn về những gì họ đang trải qua, không phải là để bạn giúp họ vượt qua đâu. Có thể họ chỉ muốn nói ra hay than vãn với bạn một chút cho nhẹ lòng hơn mà thôi.  

Hãy lắng nghe người khác khi họ cần tâm sự

Khi ai đó nói với bạn về vấn đề của họ, đó cũng là lúc họ đang tự nói chuyện và nhìn nhận vấn đề của mình. Thay vì cắt ngang việc chia sẻ của họ, hãy bày tỏ sự thấu hiểu của bạn bằng cách lắng nghe những gì mà họ nói. Và nhất là không bày tỏ quan tâm điểm cá nhân của bạn nếu bạn chưa hiểu rõ vấn đề. 

Sẵn lòng giúp đỡ – nhưng chỉ khi họ cần

Để hạn chế trở thành “siêu anh hùng”, tốt nhất là bạn không nên giúp đỡ ai trừ khi họ nhờ bạn làm điều đó. Chỉ cần thể hiện rằng bạn sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ họ đã là một việc tốt lắm rồi. 

Mỗi khi đồng nghiệp của bạn gặp vấn đề, thay vì cố gắng nhúng tay vào chuyện đó. Hãy nói với họ rằng bạn sẵn lòng giúp đỡ họ nếu họ cần. Phần lớn trường hợp, mọi người không thật sự cần ai đó giúp đỡ đâu. 

Chỉ nên giúp khi được nhờ 

Nhưng nếu trong trường hợp đồng nghiệp của bạn cần bạn giúp việc gì đó. Hãy lắng nghe và làm theo những gì họ muốn, chứ không phải cố gắng làm theo ý bạn. 

Tự nhìn lại mình

Có thể bạn không nhận ra, nhưng biết đâu giúp đỡ người khác chính là cách để bạn đối mặt với những tổn thương của bạn trong quá khứ. Hoặc những vấn đề của bạn ở hiện tại. 

Tự nhìn nhận bản thân để giải quyết vấn đề của mình

Cách tốt nhất là bạn nên dành thời gian để tìm hiểu xem điều gì đang khiến bạn tổn thương và vì sao bạn lại hành động như hiện tại. 

Thay vì sống vì người khác, hãy thực sự sống vì chính bạn bằng cách tự thay đổi bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn.  

Tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia

Đôi khi việc thừa nhận bản thân đang gặp vấn đề và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý lại là điều tốt nhất nên làm. Bởi các chuyên viên tham vấn tâm lý đã được đào tạo kỹ lưỡng để giúp bạn vượt qua khó khăn về mặt tinh thần. Vậy nên họ sẽ biết nên làm thế nào để hỗ trợ bạn. 

Các chuyên gia sẽ giúp bạn chữa lành tổn thương tâm lý

Bạn có thể tìm đến các dịch vụ tham vấn tâm lý để giải quyết những vấn đề ở hiện tại mà bạn đang gặp phải. Hoặc tìm hiểu về những tổn thương trong quá khứ của mình. Dù là gì, bạn cũng không nên e ngại hay xấu hổ về việc này. Đôi khi siêu anh hùng cũng cần được giúp đỡ mà! 

Làm gì khi có đồng nghiệp là “siêu anh hùng”?

Nếu vô tình biết được đồng nghiệp của bạn đang gặp phải hội chứng hiệp sĩ trắng, làm thế nào để “đáp lại” lòng tốt của họ mà không khiến cả hai đều khó xử? 

Thẳng thắn khước từ sự giúp đỡ

Dù mọi “siêu anh hùng” đều có nhã ý tốt khi họ muốn giúp đỡ bạn. Điều đó cũng không có nghĩa là bạn bắt buộc phải biết ơn họ và để họ nhúng tay vào chuyện riêng của bạn. 

Hãy thẳng thắn nhưng không quá hằn học

Nhưng thay vì khước từ họ một cách thẳng thừng, bạn có thể bày tỏ sự thấu hiểu của bạn bằng những câu nói như: 

  • Tôi hiểu rằng bạn muốn giúp tôi vì bạn quan tâm đến tôi. Nhưng tôi muốn được tự mình giải quyết việc này để có thể rút kinh nghiệm trong tương lai.
  • Bạn mà không để tôi tự giải quyết vấn đề của mình nghĩa là bạn đang xem thường tôi đấy!

Gợi ý cho họ cách tự giúp bản thân

Những “siêu anh hùng” lựa chọn quan tâm đến người khác vì họ đang không biết làm thế nào để quan tâm bản thân mình. Nếu bạn quan tâm đến đồng nghiệp của mình, hãy gợi ý cho họ một số cách để họ tự nhìn nhận bản thân. Chẳng hạn như: 

  • Gợi ý cho họ cách đối mặt với thử thách tích cực hơn
  • Khuyên bảo họ bao dung với bản thân họ mỗi khi thất bại hay làm sai chuyện gì đó
  • Hướng dẫn họ cách chủ động lắng nghe và chỉ giúp đỡ người khác khi được nhờ 

Những người mắc chứng savior complex cần học cách chấp nhận bản thân mình

Hiển nhiên là không ai có thể thay đổi người khác cả. Nhưng nếu bạn đối xử tốt với bản thân mình, những gì bạn làm có thể truyền cảm hứng cho người khác. Nhờ đó, họ cũng sẽ có động lực để thay đổi bản thân tốt hơn. 

Động viên họ tìm kiếm sự giúp đỡ

Đến cả siêu anh hùng cũng cần được giúp. Nếu cả hai cách trên đều không “xi nhê” với đồng nghiệp của bạn, hãy thử động viên họ tìm đến các chuyên gia tham vấn tâm lý để được giúp đỡ tốt hơn. 

Động viên đồng nghiệp tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Có thể bạn sẽ không thể giúp đỡ cho họ vượt qua trở ngại tâm lý của mình. Nhưng bạn có thể đem lại cho họ những lời động viên và sự công nhận. 

Nhiều người ngại đi tham vấn tâm lý có thể là vì họ sợ người khác sẽ kì thị họ. Vậy nên những lời động viên chân thành của bạn sẽ giúp họ rất nhiều. Bạn cũng có thể gợi ý cho họ đến gặp các chuyên gia tâm lý mà bạn tin tưởng để họ thấy rằng bạn luôn ủng hộ họ. 

Điểm danh 4 nhân vật có Savior Complex mà bạn chưa biết

Astrid trong phim Crazy Rich Asians

Constance Wu, nữ chính của Crazy Rich Asians từng thừa nhận rằng bộ phim là một bức tranh hiện thực khai thác sự hy sinh của những người phụ nữ châu Á trong đời sống gia đình. 

Ngoài cặp đôi nhân vật chính Rachel Chu và chàng thiếu gia Nick Young. Tuyến nhân vật phụ cũng góp phần lớn để làm nên tinh thần của bộ phim. 

Trong phim, nàng tiểu thư nhà giàu Astrid đã làm biết bao người xem nức lòng với những gì mà cô đã chấp nhận đánh đổi. Để giữ gìn hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với chồng mình, Michael Teo. 

Astrid hy sinh sự nghiệp thời trang, hy sinh sở thích mua sắm những món đồ xa xỉ (dù bằng tiền của mình). Tất cả chỉ để chồng cô có thể tự tin trở thành trụ cột gia đình. 

“Tôi không tài nào biến anh trở thành con người mà anh không phải”

Astrid đáng ra không có nghĩa vụ phải hy sinh vì chồng như vậy. Với gia thế, nhan sắc và tài năng của mình, cô xứng đáng ở bên một người tốt hơn. Đến khi sự hy sinh cùng nỗi thất vọng lên đến đỉnh điểm, Astrid nhận ra mình đã tự đánh mất hạnh phúc và giá trị của bản thân như thế nào. 

Câu thoại đắt giá cuối phim, “It’s not my job to make you feel like a man” (Tôi không có nghĩa vụ phải giúp anh đàn ông hơn) đã điểm kết lại cuộc hôn nhân vốn không bền vững của Astrid và Michael. Để từ đó, Astrid có thể sống cuộc đời mà cô muốn mà không cần phải tiếp tục hy sinh vì người khác nữa. 

Sebastian trong phim La La Land

Trong bộ phim được đề cử giải Oscar năm 2016, nam diễn viên Ryan Gosling vào vai Sebastian, một nghệ sĩ jazz tài năng đem lòng mến mộ một nàng diễn viên trẻ đầy triển vọng, Mia. 

Sebastian có một niềm đam mê cháy bỏng với nhạc jazz. Và khao khát của anh là làm vực dậy cả một đế chế âm nhạc đang dần chìm vào quên lãng đó. 

Sebastian đã có thể có một tương lai tươi sáng hơn, nhưng anh không quan tâm điều đó

Thế nhưng, Sebastian sẽ mãi luôn xoay vòng với những khao khát của mình. Và bị thực tế phũ phàng của cuộc sống nhấn chìm. Chàng nhạc công tài năng đó hoàn toàn có thể có một tương lai xán lạn hơn nếu anh đi theo con đường âm nhạc đại chúng. 

Nhưng như chúng ta đã thấy trong phim, Sebastian không có khát vọng được nổi tiếng với bất cứ thứ gì ngoài nhạc jazz. Anh lo lắng cho sự tồn vong của một thứ âm nhạc mà người ta đang dần không nhớ đến nữa. Mặc kệ cho tương lai của mình cũng đang ngụp lặn giống như thứ âm nhạc đó vậy. 

Dick Hallorann trong phim The Shining

The Shining là một bộ phim đã từng khiến cho bao nhiêu người phải ám ảnh đến mất ăn mất ngủ. Trong bộ phim, Dick Hallorann là bếp trưởng của khách sạn Overlook tại Colorado, nơi mà Jack đã bị điều khiển để sát hại cả gia đình mình. 

Dick vốn là một người sở hữu khả năng ngoại cảm. Vậy nên khi đang đi nghỉ dưỡng tại Florida trong lúc gia đình Jack đang trông chừng khách sạn, ông đã linh tính sẽ có chuyện chẳng lành sắp xảy ra.

Cái chết của Dick không giúp ích gì cho gia đình Terrace 

Dick ngay lập tức lên máy bay để bay về Colorado, nhằm cảnh báo cho gia đình Jack hay tin. Nhưng ngay khi vừa đặt chân đến khách sạn, Dick đã bị Jack giết chết. 

Dẫu biết Dick có nhã ý tốt muốn bảo vệ gia đình của Jack. Thế nhưng, những gì mà người đàn ông này làm chẳng giúp ích gì cả. Thậm chí còn lãng phí thời gian bay từ Florida về Colorado. 

Trong khi với thời gian đó, Dick có thể gọi điện cho cảnh sát Colorado đến điều tra hiện trường. Cảnh sát chắc chắn sẽ đến hiện trường nhanh hơn thời gian Dick bay về, và dĩ nhiên là cái chết của Dick hay những chuyện đáng buồn khác đã không phải diễn ra. 

Jack trong phim Titanic

Titanic là một bộ phim tình cảm lãng mạn nổi tiếng nhất thế giới. Đến nay, nó vẫn được xem là một chuẩn mực cho những bộ phim tình cảm trên màn ảnh rộng. 

Cặp đôi đã làm nên thành công vang dội của bộ phim Titanic

Ở một phân đoạn trong phim, Jack đã ví Rose giống như chú chim xinh đẹp bị nhốt trong lồng. Nàng xinh đẹp, giàu có đấy. Nhưng bị kìm kẹp bởi gia đình của mình, bởi mối duyên đã được định đoạt từ trước, bởi những kỳ vọng của xã hội. Anh nghĩ cuộc sống giàu có thật rập khuôn và tẻ nhạt. 

Vì thế, Jack cho rằng chỉ có anh mới có thể “giải thoát” cho Rose. Chỉ có anh mới có thể mang lại cho Rose một cuộc sống tự do và đầy thú vị. Dù có thể Rose chẳng cần Jack phải làm như vậy với mình. 

Sau khi tàu chìm, đôi uyên ương trẻ đã tóm lấy một mảnh vỡ lớn của chiếc tàu khổng lồ. Và cả hai cùng lênh đênh trên biển chờ được giải cứu. Thế nhưng, thay vì cố gắng bám víu mảnh gỗ và sống sót cùng Rose. Thì anh chàng lại tỏ ra hào hiệp bằng cách nhường Rose toàn bộ mảnh gỗ đó. Để rồi chìm mình vào làn nước lạnh như băng và ra đi mãi mãi. 

Cái chết của Jack là hình ảnh tượng trưng cho những hy sinh quên mình của các “siêu anh hùng”. Đôi khi, việc muốn tốt cho người khác quá độ có thể ảnh hưởng rất lớn đến chính bạn. 

Bạn thấy bài viết Savior Complex là gì? Khi lòng tốt là con sói đội lốt cừu! có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Savior Complex là gì? Khi lòng tốt là con sói đội lốt cừu! bên dưới để Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn

Nhớ để nguồn bài viết này: Savior Complex là gì? Khi lòng tốt là con sói đội lốt cừu! của website daihocdaivietsaigon.edu.vn

Chuyên mục: Hỏi đáp

Xem thêm chi tiết về Savior Complex là gì? Khi lòng tốt là con sói đội lốt cừu!
Xem thêm bài viết hay:  Fintech là gì? Những điều bạn cần biết về công nghệ fintech

Viết một bình luận