Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống , nhiều y bác sĩ ở bệnh viện tuyến địa phương ủng hộ và cho rằng đề xuất của Bộ Y tế xây dựng dự thảo về tăng “phụ cấp đặc thù với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch” có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động ngành y tế công lập, nhất là ở bệnh viện tuyến huyện. Điều này giúp nhân viên y tế yên tâm công tác, bệnh viện thu hút được nhân tài đến cống hiến.
Gắn bó vì yêu nghề, vì được phục vụ người bệnh
Chia sẻ về vấn đề thu nhập của người lao động ở bệnh viện tuyến huyện, BS.CKI Bùi Thị Y – Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, trong thời gian qua, đội ngũ y bác sĩ, người lao động có nguồn thu nhập thấp, trong đó có các khoản phụ cấp thấp đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chi tiêu trong gia đình. Tuy khó khăn nhưng mọi người chỉ đôi lúc than thở với nhau về thu nhập, chi tiêu và luôn động viên nhau hoàn thành công việc.
“Là lãnh đạo khoa, tôi thường xuyên động viên đồng nghiệp cố gắng nỗ lực trong công việc, bởi đặc thù của công tác ngành y là phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân nên cần vượt qua những khó khăn để làm tốt công tác của mình. Một số trường hợp vì nguồn thu nhập không đủ chăm sóc gia đình nên đã nghĩ đến hướng đi mới để có nguồn thu nhập tốt hơn”, BS Bùi Thị Y trải lòng.
BS.CKI Bùi Thị Y – Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện huyện Bình Chánh – hướng dẫn người dân đến khám chữa bệnh. Ảnh: Xuân Dự
Trong khi đó, BS.CKII Phạm Nguyễn Anh Vũ – Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh – chia sẻ, từ khi có Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, ban hành năm 2011 đến nay thì hệ số lương cơ sở đã tăng gần 3 lần.
Vật giá tăng cao, trong khi phụ cấp đối với cán bộ, người lao động ngành y vẫn chưa có sự thay đổi. Từ đó có thể thấy những vất vả, khó nhọc của người lao động đối với công việc chưa có sự ghi nhận phù hợp.
“Tuy nhiên, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện huyện Bình Chánh vẫn gắn bó với đơn vị, gắn bó với công tác chăm sóc người bệnh bởi mỗi người đều hiểu rằng công việc của mình là phục vụ bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe người dân”, lãnh đạo BV huyện Bình Chánh nói.
Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Về phía đơn vị, để chăm lo cho đời sống người lao động, bên cạnh việc khám chữa bệnh thông thường, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bệnh viện còn tổ chức khám bệnh theo yêu cầu, người dân có thể lựa chọn bác sĩ khám bệnh theo nguyện vọng, góp phần tăng nguồn thu nhập cho y bác sĩ, người lao động tại bệnh viện”.
Song song đó, lãnh đạo bệnh viện xem xét bố trí cho y bác sĩ, người lao động làm các công việc phù hợp với chuyên môn, đúng với mong muốn. Ngoài ra, lãnh đạo bệnh viện cố gắng tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động qua các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo dài hạn, các chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc, từ đó phát triển chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của người lao động, tạo sự gắn bó với nghề, với đơn vị công tác.
Bệnh viện tuyến huyện trước cơ hội hút nhân tài
Các y bác sĩ ở bệnh viện địa phương vô cùng phấn khởi, bởi đề xuất này nếu được chấp thuận sẽ tạo điều kiện cho y tế tuyến huyện thu hút nhân tài về công tác.
Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện huyện Bình Chánh Bùi Thị Y cho biết: “Đề xuất tăng phụ cấp của Bộ Y tế rất có ý nghĩa đối với đội ngũ y bác sĩ, người lao động ở bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện huyện Bình Chánh. Việc tăng phụ cấp ở một số nội dung như phụ cấp trực, tiền ăn… sẽ góp phần tăng nguồn thu nhập, giúp y bác sĩ, người lao động yên tâm công tác, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vấn đề tăng phụ cấp nên có sự tương đương với hệ số lương hiện nay. Bên cạnh đó, cần có phụ cấp phù hợp cho người lao động làm ở các phòng chức năng, bảo vệ, hộ lý vì công việc của họ cũng có tiếp xúc với bệnh nhân, góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân”.
Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh Phạm Nguyễn Anh Vũ chia sẻ về đề xuất tăng phụ cấp của Bộ Y tế. Ảnh: Xuân Dự
Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh Phạm thì cho rằng, đề xuất tăng phụ cấp thể hiện sự nhìn nhận phù hợp, kịp thời, có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao thu nhập của y bác sĩ, người lao động ở bệnh viện.
Điều này không chỉ ổn định đời sống người lao động để tập trung vào công tác chuyên môn phục vụ người bệnh mà còn góp phần hỗ trợ bệnh viện thu hút người có trình độ chuyên môn, năng lực về công tác ở bệnh viện tuyến huyện.
Đề xuất còn có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động trẻ, góp phần trong việc nâng cao thu nhập để y bác sĩ trẻ có thể tập trung vào công tác chuyên môn cũng như học hỏi để nâng cao kỹ năng, tay nghề.
Đề xuất tăng phụ cấp ngành y của Bộ Y tế sẽ góp phần giúp đội ngũ y bác sĩ, người lao động yên tâm công tác, chăm sóc sức khỏe người dân. Ảnh: Xuân Dự
Hiện nay các bệnh viện thực hiện tự chủ về tài chính, việc tăng phụ cấp góp phần tăng nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Thế nhưng một số đơn vị y tế công lập ở tuyến huyện chưa có nguồn thu lớn thì có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện.
“Để việc thực hiện đảm bảo ổn định, nên có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp; bên cạnh việc thực hiện tự chủ tài chính ở cơ sở y tế công lập cần có chính sách bù để một số đơn vị gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính có điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tăng phụ cấp, nâng cao thu nhập cho y bác sĩ, người lao động”, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh Phạm Nguyễn Anh Vũ nêu ý kiến.
Bạn thấy bài viết Phụ cấp ngành y 13 năm không đổi (6): Mong mỏi “hút” nhân tài về tuyến huyện có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Phụ cấp ngành y 13 năm không đổi (6): Mong mỏi “hút” nhân tài về tuyến huyện bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Phụ cấp ngành y 13 năm không đổi (6): Mong mỏi “hút” nhân tài về tuyến huyện của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay