Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua đâu?
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả nghiên cứu mới đây của phòng xét nghiệm thuộc Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và OUCRU, hai tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay tại TP Hồ Chí Minh là enterovirus chiếm 86% và tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chiếm 14%.
Bệnh nhi khám mắt tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BV
Trước quan niệm của dân gian là khi nhìn vào mắt của người bị đau mắt đỏ thì sẽ bị lây bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thơ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh khẳng định đây là quan niệm không đúng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thơ cho biết, bệnh đau mắt đỏ lây lan qua giọt bắn và nước mắt. Do đó, nếu đứng gần những người bị đau mắt đỏ và tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh sẽ bị lây bệnh chứ không phải nhìn vào mắt của người bệnh mà bị lây. Bên cạnh đó, nước mắt người bệnh có chứa siêu vi và khi người bệnh lấy tay dụi mắt, sau đó sờ lên mặt bàn, tay nắm cửa… người khác đụng vào thì có thể bị lây bệnh.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, bệnh đau mắt đỏ là do virus sau đó có thể bội nhiễm thêm vi trùng. Bệnh lây qua đường hô hấp, chứ không phải nhìn vô mắt người bệnh sẽ bị bệnh. Bệnh cũng lây qua bàn tay bị dính chất tiết đường hô hấp người bệnh rồi sờ lên vùng mặt.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn hoặc bắt tay…
Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền thông qua các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi…; sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh. Hơn nữa, thói quen sờ mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Theo các bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…
Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chuyên khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, triệu chứng thường gặp bao gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn), sáng ngủ dậy trẻ khó mở mắt. Bên cạnh đó trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ …
Đặc biệt, trẻ có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu. Phương pháp điều trị hiện nay gồm rửa mắt bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9 %, nhỏ thuốc, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, bệnh đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan nhưng phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ bằng cách hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo 8 biện pháp người dân cần thực hiện để phòng bệnh đau mắt đỏ. Cụ thể: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang….
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số lượt người bệnh đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố khám vì viêm kết mạc (đau mắt đỏ) từ đầu năm đến nay là gần 72.000 lượt. Đáng lưu ý, số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số mắc, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn. Ngành y tế cũng đã tìm ra 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ trong thời gian qua. Hiện nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích giải mã gene nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh và kiểu gene của các enterovirus và adenovirus gây bệnh.
Bạn thấy bài viết Nhìn người bị đau mắt đỏ liệu có bị lây bệnh? có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Nhìn người bị đau mắt đỏ liệu có bị lây bệnh? bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Nhìn người bị đau mắt đỏ liệu có bị lây bệnh? của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay