Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã cấp cứu thành công một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê khi nhổ răng khôn.
Theo đó, bệnh nhân N.T.T.M. (48 tuổi, trú tại Đức Linh, Bình Thuận) nhập viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, tức ngực khó thở, kích thích, run giật cơ. Mạch 108 lần/phút, HA 83/53, nhịp thở 26 lần/phút.
Qua khai thác bệnh sử được biết: Bệnh nhân đến phòng khám tư nhân để nhổ răng khôn, sau khi chích thuốc tê (Lidocain) được 20 phút, bệnh nhân thấy mệt, khó chịu, tức ngực, lo lắng, được xử trí 1 ống Adrenalin 1mg tiêm bắp và chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cấp cứu.
Sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Thái Bá.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê nên đã kịp thời xử trí cho bệnh nhân theo phác đồ ngộ độc thuốc tê và truyền tĩnh mạch; thở oxy, truyền dịch nâng huyết áp.
Sau 45 phút bệnh nhân hết kích thích, hết run giật cơ, các chỉ số sinh tồn ổn định: Mạch 96 lần/phút; Nhịp thở 20 lần/phút; HA 118/68mmHg.
BSCKI. Phùng Văn Phú – Trưởng Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cho biết: Đây là ca bệnh ngộ độc thuốc tê thứ 2 mà Trung tâm đã tiếp nhận và cấp cứu thành công.
Trước đó, Khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhân từ phòng khám nha khoa tư nhân đưa đến trong tình trạng khó thở, kích động, nói nhảm và run giật cơ. Bệnh nhân được xác định ngộ độc thuốc tê và xử trí theo phác đồ điều trị.
Không chỉ những trường hợp trên, tại một số bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước cũng ghi nhận các ca bệnh ngộ độc thuốc tê khi nhổ răng. Ngay cuối tháng 7/2024, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 66 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay sau khi nhổ răng. Trong quá trình nhổ răng có sử dụng 2 ống Lidocain 2% tê tại chỗ; các dấu hiệu sinh tồn và các chỉ số xét nghiệm cơ bản đều trong giới hạn bình thường.
Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thuốc tê Lidocain sau nhổ răng. Ngay lập tức bệnh nhân được truyền tĩnh mạch nhũ tương lipid 20%, theo dõi sát tình trạng ý thức và huyết động. Sau khi dùng thuốc 15 phút, các triệu chứng lâm sàng khiến bệnh nhân khó chịu hết hoàn toàn.
Những ai dễ bị ngộ độc thuốc tê?
Theo các bác sĩ, ngày nay, việc sử dụng thuốc tê rất phổ biến, từ các thủ thuật thực hiện tại các cơ sở y tế bên ngoài bệnh viện như: nhổ răng, tiểu phẫu vết thương đến các thủ thuật, tiểu phẫu thuật thực hiện tại bệnh viện như: đặt catheter, chọc ống sống thắt lưng, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thực hiện kĩ thuật gây tê trước khi làm các thủ thuật này có xu hướng được thực hiện bởi các bác sĩ không thuộc chuyên ngành gây mê – hồi sức, tình trạng ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra và gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu không được xử trí kịp thời.
Ngộ độc thuốc tê khi nhổ răng nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa.
Theo BSCKI Lê Đức Duẩn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những đối tượng có nguy cơ cao ngộ độc thuốc tê bao gồm: Trẻ em dưới 6 tháng tuổi; bệnh nhân thể trạng nhỏ; người tuổi cao, suy yếu; người suy tim, thiếu máu cơ tim; người mắc bệnh gan.
Vì vậy, việc hiểu biết về những dấu hiệu nhận biết sớm và những biện pháp cấp cứu kịp thời bệnh nhân ngộ độc thuốc tê là rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong.
Nhận biết bệnh nhân ngộ độc thuốc tê:
Theo khuyến cáo của Hội Gây tê vùng và Giảm đau Hoa Kỳ, những thay đổi về thần kinh hoặc tim mạch của bệnh nhân khi đang sử dụng thuốc tê, dù liều nhỏ, gây tê theo phương pháp gì, cần nghĩ tới ngộ độc thuốc tê trước và xử trí theo phác đồ.
Hệ thần kinh trung ương:
– Kích thích (bồn chồn, lo lắng, kêu la, giật cơ, co giật).
– Ức chế (ngủ gà, hôn mê hoặc ngừng thở).
– Không đặc hiệu (miệng có vị kim loại, tê quanh miệng, nhìn đôi, ù tai, chóng mặt).
Hệ tim mạch:
– Giai đoạn đầu có thể có: Tăng huyết áp, mạch nhanh, loạn nhịp thất…
– Giai đoạn sau: Tụt huyết áp tiến triển; block dẫn truyền, nhịp tim chậm, vô tâm thu; loạn nhịp thất (nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh, vô tâm thu).
Theo BS Duẩn, với các trường hợp nghi ngộ độc thuốc tê, cần theo dõi bệnh nhân trong quá trình tiêm và sau khi tiêm. Các triệu chứng ngộ độc trên lâm sàng có thể xuất hiện chậm sau 30 phút hoặc muộn hơn. Cần giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc.
Về phía người dân cũng cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng ngộ độc thuốc tê để khi xảy ra có thể đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng xấu gây hại cho sức khỏe.
Bạn thấy bài viết Người phụ nữ 48 tuổi suýt chết khi nhổ răng khôn, bác sĩ khuyến cáo điều cần đặc biệt lưu ý có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Người phụ nữ 48 tuổi suýt chết khi nhổ răng khôn, bác sĩ khuyến cáo điều cần đặc biệt lưu ý bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Người phụ nữ 48 tuổi suýt chết khi nhổ răng khôn, bác sĩ khuyến cáo điều cần đặc biệt lưu ý của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay