Nghiện game: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Bạn đang xem: Nghiện game: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị tại Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn

Nghiện game online là nghiện trò chơi video (video game addicting). Hiện nay, hầu hết người chơi video game đều sử dụng máy tính có kết nối internet, vì thế họ thường chơi game trực tuyến.

1. Thế nào là nghiện game?

Theo báo cáo của hội đồng khoa học và sức khỏe cộng đồng của Mỹ, người nào chơi trò chơi trên máy tính quá 2 giờ mỗi ngày được coi là nghiện game máy tính. Học viện Nhi khoa Mỹ cũng lấy tiêu chuẩn chơi game quá 2 giờ mỗi ngày để xác định người nghiện game online.

Nhà tâm thần học Michael Brody đưa ra định nghĩa về game online, theo đó người nghiện game online phải thỏa mãn 2 tiêu chuẩn sau:

  • Người nghiện game online luôn đòi hỏi chơi game ngày càng nhiều để giữ được tình trạng tâm lý hiện tại của mình.
  • Nếu không được tiếp tục chơi game online, họ sẽ cáu gắt và cảm thấy rất khó chịu.

Nói một cách đơn giản thì những người nghiện game online sẽ trở nên cáu kỉnh, có hành vi bạo lực hoặc bị ức chế nếu không được chơi game online trên máy tính. Những trẻ em nghiện game sẽ khóc lóc đòi chơi game, không ngủ, từ chối ăn uống hoặc không chịu làm gì.

Mặc dù hiện nay chưa có chẩn đoán nghiện game online trong bảng phân loại bệnh tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (ICD 10) và của Hội tâm thần học Mỹ (DSM IV), nhưng các nhà tâm thần học trên thế giới đều thừa nhận sự tồn tại của bệnh nghiện game online và cho rằng bệnh này có những đặc điểm của nghiện ma túy và trầm cảm .

2. Lý do dẫn đến nghiện game

Vai trò của yếu tố tâm lý là rất lớn trong bệnh sinh của nghiện game.

Người nghiện game tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn cho cuộc sống của họ. Khi chơi game họ cảm thấy thích thú, dễ chịu hơn. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh và nội dung của game có sức cuốn hút đối với người chơi game hơn các vấn đề trong cuộc sống thực tại. Dần dần game ngày càng chiếm ưu thế trong các vấn đề mà họ quan tâm.

Thực tế cho thấy, chỉ một tỷ lệ nhỏ người chơi game trở thành nghiện game. Khi chơi game, người ta nhận thấy não người chơi có sự tăng giải phóng dopamin, tăng sản xuất các morphin nội sinh. Các chất này tạo nên sự khoan khoái cho người chơi, dần dần họ trở thành nghiện game.

Ở những người nghiện game, người ta nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin tại khe si-nap ở não. Các xét nghiệm tìm kiếm serotonin trong huyết tương và trong dịch não tủy của người nghiện game cũng chứng tỏ điều này. Sự sụt giảm nồng độ serotonin giống với bệnh sinh của trầm cảm, vì vậy người nghiện game có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu. Khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của nghiện game online thuyên giảm rõ rệt. Hiện người ta chưa rõ trầm cảm, lo âu là hậu quả của nghiện game hay là nguyên nhân gây ra nghiện game online.

Nghiện game: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị- Ảnh 2.

Nghiện game online đang dần trở thành vấn nạn mà xã hội chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.

3. Biểu hiện của bệnh nghiện game

Người chơi game online có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng của nghiện ma túy. Nhiều người trong số họ tập trung vào game còn nhiều hơn vào các vấn đề khác của cuộc sống. Khi trở thành nghiện game, họ sẽ bị trầm cảm với biểu hiện là mất hết các hứng thú và sở thích khác, lười vệ sinh cơ thể, sút cân, mất ngủ , bỏ bê công việc, tắt điện thoại và nói dối bạn bè về thời gian chơi game.

Như vậy, người nghiện game sẽ có 2 nhóm triệu chứng sau đây:

  • Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy.
  • Nhóm triệu chứng trầm cảm.

Với nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy

Game thủ sẽ được coi là nghiện game nếu có từ 2 triệu chứng sau trở lên:

Người nghiện game tỏ ra quan tâm quá mức tới game online khi phải xa máy tính. Họ luôn thèm muốn được chơi game, luôn nói về game, mất tập trung, hay cáu gắt hoặc mất các hứng thú khác.

  • Chơi game liên tục không nghỉ

Người nghiện game chơi game liên tục, không nghỉ trong nhiều giờ. Họ tiêu tốn rất nhiều thời gian ngồi trước màn hình tivi hoặc máy tính để chơi game. Họ có thể bào chữa về việc vào mạng là để làm việc, tìm thông tin, đọc thư điện tử, có thể nói dối để được chơi game.

  • Không kiểm soát được việc chơi game

Người nghiện game hoặc có nguy cơ nghiện game, không có khả năng kiểm soát được thời gian chơi game trên máy tính. Họ dự định chơi game online trong 15 – 20 phút, nhưng họ không thể ngừng lại như dự kiến mà chơi game liên tục trong nhiều giờ.

  • Mất thời gian vì chơi game

Người nghiện game tốn rất nhiều thời gian cho chơi game. Họ thường chơi nhiều giờ mỗi ngày. Nhiều game thủ đã chơi thâu đêm.

  • Bỏ bê các công việc khác

Do tốn quá nhiều thời gian đến chơi game, họ không quan tâm đến các công việc khác. Họ bỏ mặc các mối quan hệ bạn bè và gia đình, những người rất thân thiết với họ trước đây. Người nghiện game không học bài, không làm bài tập, không hoàn thành công việc ở cơ quan và ở nhà. Các trường hợp nặng, họ sẽ bỏ qua cả việc vệ sinh cá nhân và không chịu tắm rửa.

  • Che giấu các cảm giác và tình huống khó chịu

Người nghiện game tự dùng thuốc để điều trị cho mình chứ không báo cho gia đình biết và không chịu đi chữa bệnh (sợ ảnh hưởng đến thời gian chơi game). Khi có các cảm giác và tình huống khó chịu, họ lại chơi game để che giấu các cảm giác và tình huống khó chịu này. Người nghiện game dùng thế giới ảo để chạy trốn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thực.

  • Nói dối về thời gian chơi game

Khi bị hỏi về thời gian chơi game, họ sẽ che dấu sự thật bằng cách nói dối. Khi game thủ từ chối nói thật về thời gian chơi game, chứng tỏ có điều gì bất ổn. Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân dễ dàng nhận thấy người nghiện game nói dối.

  • Sử dụng sai về tiền bạc

Người nghiện game online thường tiêu tốn nhiều tiền để mua máy tính, màn hình, bộ loa. Họ luôn tìm cách nâng cấp phần mền, phần cứng, đường truyền để thỏa mãn ham muốn chơi game của mình. Họ có thể tiêu nhiều tiền để chơi game ở các điểm chơi game công cộng.

  • Cảm xúc không ổn định

Cũng như nghiện ma túy, người nghiện game online có trạng thái phấn khích khi chơi game. Nhưng trạng thái này nhanh chóng chuyển thành thất vọng. Trạng thái thất vọng này có thể chỉ tồn tại trong lúc chơi game, nhưng cũng có thể tồn tại bền vững cả ngày.

Nghiện game: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị- Ảnh 3.

Cũng như nghiện ma túy, người nghiện game online có trạng thái phấn khích khi chơi game.

Với nhóm triệu chứng trầm cảm

  • Mất hứng thú và sở thích

Người nghiện game mất hầu hết các hứng thú và sở thích vốn có. Họ chỉ còn thích chơi game mà thôi và hầu như không còn hào hứng gì với âm nhạc, thể thao, hội họa, phim ảnh, mua sắm, đi dã ngoại. Những người nghiện game hầu như không còn quan tâm gì đến bài vở, nhiều người đã trốn học để đi chơi game.

Người nghiện game luôn trong tình trạng mất ngủ. Họ được coi là mất ngủ nếu ngủ ít hơn bình thường trên 2 giờ mỗi ngày. Nhưng thực tế, người nghiện game ngủ rất ít. Họ thường chơi game rất khuya, có thể đến 1 – 2 giờ sáng. Nhiều trường hợp người nghiện game chơi thâu đêm.

Do mất hết các ham muốn và sở thích, người nghiện game cũng không quan tâm gì đến bữa ăn. Họ ăn chiếu lệ, không có cảm giác ngon miệng, vì thế họ ăn ít hơn bình thường. Chúng ta có lý do mà nghĩ rằng người nghiện game ăn chỉ để có năng lượng để tiếp tục chơi game. Do ăn ít nên những người nghiện game đều gầy và sút cân rõ rệt.

  • Rối loạn tâm thần vận động

Hầu hết người nghiện game đều hoạt động chậm chạp, lờ đờ khi ra ngoài đời thực. Họ suy nghĩ một cách khó khăn, chậm chạp, tăng khoảng nghĩ trước khi trả lời. Nhưng khi không được chơi game, họ đi lại liên tục và có thể trở thành kích động.

Đây là triệu chứng mà gần như tất cả người nghiện game đều có. Họ có nét mặt đơn điệu, ngơ ngác, buồn bã, các nếp nhăn giãn ra. Tình trạng khí sắc giảm bền vững trong cả ngày.

Những người nghiện game là trẻ vị thành niên, khí sắc là kích thích, nghĩa là họ rất dễ nổi cáu vô cớ trong vài phút đến vài chục phút, sau đó lại trở về tình trạng khí sắc giảm.

  • Giảm sút năng lượng

Năng lượng giảm sút, mệt mỏi và kiệt sức là triệu chứng hay gặp sau khi chơi game, nhất là ở những người chơi game thâu đêm. Họ hầu như không còn sức lực để làm bất cứ một việc gì, kể cả vệ sinh cá nhân.

  • Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi

Khi ngừng chơi game, người nghiện có thể nhận ra rằng mình là một kẻ vô dụng vì không làm được việc gì ngoài chơi game. Họ cũng nhận thấy việc nghiện game là tội lỗi, nhưng ý nghĩ đó không đủ mạnh để buộc họ ngừng chơi game. Trái lại người nghiện lại tiếp tục chơi game để chạy trốn các vấn đề của cuộc sống thực tại. Khi tình trạng nghiện game đã trở lên trầm trọng (chơi game ngày trên 5 giờ), cảm giác vô dụng và tội lỗi biến mất. Người nghiện game mất hoàn toàn khả năng phê phán về tình trạng chơi game của mình.

  • Khó suy nghĩ tập trung hoặc ra quyết định

Do mọi suy nghĩ của người nghiện game chỉ tập chung vào các trò chơi trên máy vi tính, họ khó có thể tập chung suy nghĩ và chú ý vào các vấn đề khác. Hơn nữa, do khả năng học hành sút kém nên họ không đủ tri thức và không đủ tự tin để ra quyết định. Biểu hiện này rất rõ khi họ làm bài kiểm tra tại trường hoặc bị kiểm tra công việc ở cơ quan. Thái độ lúng túng hiện rõ trên nét mặt và hành vi. Do khó tập chung suy nghĩ và chú ý, kết quả học tập và làm việc của họ rất sút kém.

  • Ý nghĩ muốn chết và hành vi tự sát

Do không đạt kết quả như mong muốn khi chơi game, do xa lánh các vấn đề thực của cuộc sống, do bị gia đình và bạn bè chê trách, nhiều người nghiện game tỏ ra bi quan, chán nản. Lúc đầu họ nghĩ rằng chết quách đi cho xong. Ý nghĩ này lúc đầu chỉ xuất hiện trong vòng một vài phút rồi hết. Về sau họ luôn nghĩ đến cái chết, coi đó là một giải pháp tốt để giải quyết các vấn đề cá nhân. Người nghiện game có thể chuẩn bị các thứ cần thiết cho tự sát. Nếu sau khi tự sát mà không chết, người nghiện game có thể lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần.

4. Cách điều trị bệnh nghiện game

Điều trị nghiện game cũng giống như điều trị nghiện ma túy. Do máy tính đã trở thành phổ biến nên việc cai nghiện game có phần khó khăn hơn. Đối với người nghiện game, chơi game online cũng quan trọng như ăn uống và hít thở vậy.

Cần phải làm các bước sau:

  • Ngừng hoàn toàn việc chơi game. Không thể cai nghiện game bằng cách giới hạn thời gian chơi game, điều này giống như nghe người nghiện rượu hứa rằng họ sẽ bỏ rượu mà chuyển sang uống… bia.
  • Cắt cơn cai nghiện game online bằng thuốc an thần và chống trầm cảm.
  • Điều trị củng cố chống tái phát.

Chưa có số liệu nào về thời gian điều trị củng cố cho nghiện game online. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng phải điều trị nghiêm túc và đầy đủ như nghiện ma túy. Vì vậy, thời gian điều trị củng cố được khuyên là trong nhiều năm (tối thiểu 6 năm).

Khi thấy con mình nghiện chơi game online, cha mẹ hãy xem con mình có các dấu hiệu sau đây không:

  • Ngây ngô, đần độn khi chơi game và một thời gian sau khi chơi.
  • Hậu quả xấu do chơi game (kết quả học tập, các mối quan hệ…)
  • Phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian chơi game.

Nếu có thì cần nghi ngờ con mình đã bị nghiện game online và nên đưa đi khám bác sĩ tâm thần.

PGS.TS. Bùi Quang Huy

Bạn thấy bài viết Nghiện game: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Nghiện game: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn

Nhớ để nguồn bài viết này: Nghiện game: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị của website daihocdaivietsaigon.edu.vn

Chuyên mục: Kinh nghiệm hay

Xem thêm bài viết hay:  Link Xem Trực Tiếp Anh vs Mỹ bảng B (02h00, 26/11)

Viết một bình luận