Hết sức cân nhắc
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) để xem xét lần đầu. Dự thảo gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành.
Ngay sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp gửi công văn lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh/thành phố, đã có những vấn đề nổi lên khiến nhiều người băn khoăn.
Cụ thể, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Điều 26 “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân” có nêu: ” Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ , cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP. Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”.
Nhiều chuyên gia, đội ngũ thầy thuốc, lãnh đạo đang công tác trong và ngoài ngành y tế bày tỏ quan điểm không thống nhất với quy định trên của dự thảo luật. Đồng thời, không ít ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
ĐBQH Nguyễn Công Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
ĐBQH Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho rằng, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện, không thể xử lý theo “quan điểm hệ thống”. Trong khi đó, mỗi bệnh viện tuyến trung ương khi sinh ra đều có chức năng, nhiệm vụ riêng nên không thể “đánh đồng tất cả”.
ĐBQH Nguyễn Công Hoàng phân tích: “Cần sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, Nghị quyết nêu rõ, sắp xếp là chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học)”.
Bệnh viện E nắm vai trò đầu ngành chỉ đạo tuyến về chuyên khoa ngoại tim mạch.
Đối với quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Công Hoàng cho rằng phải cân nhắc kỹ khi nếu không sẽ làm giảm đi hiệu quả, thậm chí làm chậm, đẩy lùi sự phát triển của ngành y tế.
“Những bệnh viện thông thường thì có thể gộp lại được, nhưng những cái nào là mũi nhọn, chuyên sâu, chức năng đặc biệt mà trước đây Chính phủ đã kiến tạo nên thì phải hết sức cân nhắc”, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh.
Sở Y tế Hà Nội khó có thể chỉ đạo chuyên môn các bệnh viện lớn
Bên cạnh đó, vị đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ băn khoăn: “Về chức năng nhiệm vụ cũng như quy mô thì Sở Y tế Hà Nội khó có thể chỉ đạo được chuyên môn cho các bệnh viện lớn, bệnh viện hạng đặc biệt”.
Một điều bất cập nữa được ĐBQH Nguyễn Công Hoàng phân tích đó là: “Giám đốc một bệnh viện hạng đặc biệt thì hàm cũng lớn hơn so với đồng chí Giám đốc Sở Y tế, tương đương Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh và tương đương Phó Chủ tịch thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu quy hoạch bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Sở Y tế Hà Nội thì giám đốc bệnh viện hạng đặc biệt hàm chỉ bằng phó giám đốc bệnh viện thôi thì cũng là một vấn đề. Rồi lãng phí về con dấu, biển hiệu, quản lý tài chính, kho bạc nhà nước… đi theo một hệ thống. Điều này cũng như việc sát nhập các tỉnh”.
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng cũng đóng góp thêm ý kiến để ngành y tế Thủ đô phát triển hơn trong thời gian tới: Hà Nội nên tận dụng hệ thống y tế của trung ương vững mạnh, đã có sẵn và tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”.
Hiện Hà Nội phát triển y tế theo hướng: thành phố có các bệnh viện của thành phố, quận có bệnh viện quận, xã có trạm y tế xã. Nhưng 2 xã sát nhau vẫn duy trì 2 trạm y tế, nếu gộp trạm y tế thì sẽ có 10 người thực hiện công tác khám, chữa bệnh sẽ tốt hơn. Đại biểu cũng băn khoăn, Hà Nội xây quá nhiều bệnh viện trong khi đó trên địa bàn có rất nhiều bệnh viện trực thuộc trung ương.
Lấy ví dụ cụ thể, đại biểu cho biết, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã mạnh dạn giao một số bệnh viện tỉnh cho Bệnh viện Trung ương Huế. Bởi, Bệnh viện Trung ương Huế có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có chuyên môn tốt để giải quyết vấn đề về y tế cho cả tỉnh.
Bạn thấy bài viết Lo ngại đề xuất Hà Nội được quản lý bệnh viện trung ương: Chính phủ đã kiến tạo nên thì phải hết sức cân nhắc có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Lo ngại đề xuất Hà Nội được quản lý bệnh viện trung ương: Chính phủ đã kiến tạo nên thì phải hết sức cân nhắc bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Lo ngại đề xuất Hà Nội được quản lý bệnh viện trung ương: Chính phủ đã kiến tạo nên thì phải hết sức cân nhắc của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay