Ngày 19/10, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Quản lý rung nhĩ: Từ điện đồ đến triệt đốt rung nhĩ bền bỉ”, tạo diễn đàn trao đổi chuyên môn, cập nhật tiến bộ mới nhất trong điều trị rung nhĩ – một trong những rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay.
Với sự tham dự của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch can thiệp đến từ nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Quân Y 103…, hội thảo đã tập trung vào các khía cạnh quan trọng trong thăm dò điện sinh lý và can thiệp triệt đốt qua ống thông.
TS.BS Alain Lebon – Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội trình bày báo cáo “Điện đồ và đa cực” phân tích, so sánh cụ thể hiệu quả vượt trội của công nghệ đa cực so với điện đồ đơn cực và lưỡng cực dựa trên những số liệu cụ thể từ các nghiên cứu trên thế giới.
TS. BS Alain Lebon cho biết: “Lập bản đồ điện sinh lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong triệt đốt rung nhĩ. Công nghệ đa cực khắc phục được những hạn chế của phương pháp điện đồ đơn cực và lưỡng cực thông thường, cung cấp hình ảnh bản đồ rõ nét và chính xác hơn nhiều lần tại các vị trí phức tạp trong tim, giúp nâng cao tỷ lệ thành công của can thiệp, tránh biến chứng có thể xảy ra.”
Đưa ra vấn đề còn nhiều tranh luận trong định hướng triệt đốt rung nhĩ, TS.BS Phạm Như Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Tim Hà Nội – trình bày báo cáo “Triệt đốt rung nhĩ bền bỉ: Cô lập tĩnh mạch phổi là không đủ”.
Để chứng minh cho luận điểm trên, TS.BS Phạm Như Hùng đưa ra kết quả của những nghiên cứu chuyên sâu, chia sẻ số liệu về tỷ lệ thành công ở các ca cô lập tĩnh mạch phổi (PVI) đơn thuần, cô lập tĩnh mạch phổi kết hợp cắt đốt điện đồ nhĩ phân đoạn phức tạp (CFAE) và các phương pháp khác.
TS.BS Phạm Như Hùng nhấn mạnh “Trong triệt đốt rung nhĩ bền bỉ, ở nhiều ca bệnh, chỉ cô lập tĩnh mạch phổi là không đủ. Không có một chiến lược nào giống nhau cho tất cả các ca. Tùy thuộc ca lâm sàng thậm chí có thể triệt đốt mà không cần thiết phải cô lập tĩnh mạch phổi.” Việc đánh giá, lựa chọn hướng can thiệp đòi hỏi các bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng, hướng tới hiệu quả cao nhất, tránh cho người bệnh nguy cơ cuồng nhĩ, rung nhĩ tái phát hoặc các biến chứng khác.
Sau hai bài báo cáo chuyên sâu, các bác sĩ, chuyên gia tham dự hội thảo đã có cơ hội hỏi đáp về các tình huống và ca bệnh thực tế. Không khí tương tác và thảo luận đã cho thấy tinh thần hợp tác học hỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật tiến bộ y khoa của các bác sĩ trong và ngoài nước.
Bác sĩ Erwan Debuc – Giám đốc Y tế, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt trân trọng sự hiện diện và đóng góp của các bác sĩ trong hội thảo khoa học ngày hôm nay. Việc trao đổi, hợp tác hỗ trợ chuyên môn giữa các bác sĩ hai nước là đặc biệt cần thiết nhằm mang đến cho người bệnh tại Việt Nam giải pháp điều trị phù hợp nhất”.
Cuối chương trình, các đại biểu tham dự đã thăm quan phòng can thiệp tim mạch hiện đại của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội và tìm hiểu thêm Hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D Abbott Ensite X thế hệ mới nhất, đầu tiên tại Việt Nam.
Từ sự thành công của Hội thảo, Bệnh viện Việt Pháp sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện, hội thảo ý nghĩa trong thời gian sắp tới, hy vọng nhận được sự hỗ trợ và trao đổi chuyên môn từ các bác sĩ.
Bạn thấy bài viết Cập nhật tiến bộ y khoa trong điều trị rung nhĩ, mang giải pháp điều trị phù hợp nhất đến cho người bệnh có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Cập nhật tiến bộ y khoa trong điều trị rung nhĩ, mang giải pháp điều trị phù hợp nhất đến cho người bệnh bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Cập nhật tiến bộ y khoa trong điều trị rung nhĩ, mang giải pháp điều trị phù hợp nhất đến cho người bệnh của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay