1. Vai trò của tập luyện, xoa bóp với người bệnh phì đại tiền liệt tuyến
Phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất đối với người bệnh phì đại tiền liệt tuyến có triệu chứng tắc nghẽn cổ bàng quang nặng gây nhiều biến chứng.
Tuy nhiên, có nhiều người bệnh có triệu chứng nhẹ hơn hoặc chỉ là giai đoạn đầu khi phát hiện bệnh thì không nhất thiết phẫu thuật.
Trên những người bệnh này ngoài việc điều trị nội khoa, có thể phối hợp thêm các bài tập vận động, các thủ thuật xoa bóp sẽ giúp ngăn ngừa tiến triển bệnh, hỗ trợ cải thiện triệu chứng và ít tốn kém về mặt kinh tế hơn.
Xoa bóp, tập luyện vận động thường được coi là một phương thức trị liệu an toàn mà không có bất kỳ rủi ro hoặc tác dụng phụ đáng kể nào.
Theo Y học hiện đại, xoa bóp làm cho các mạch máu co giãn, đưa lượng máu trong cơ thể vận chuyển tuần hoàn liên tục, lưu thông dễ dàng giúp cung cấp các dưỡng chất và cung cấp oxy cho tế bào.
Xoa bóp làm giảm trạng thái lo lắng, điều hòa huyết áp và nhịp tim, giúp tăng cường chức năng miễn dịch trong cơ thể, tăng cường hoạt động của dây thần kinh phế vị và giảm mức cortisol. Ngoài ra, liệu pháp xoa bóp cũng giúp cải thiện các chức năng vận động của khớp, nâng sức cơ, giãn cơ và giảm đau .
Theo Y học cổ truyền, xoa bóp giúp thúc đẩy khí huyết lưu thông khắp cơ thể, giúp vận hóa các chất tại chỗ cũng như khắp các tạng phủ để nuôi dưỡng và điều hòa được chức năng của tạng phủ. Xoa bóp thông qua tác động vào huyệt, kinh lạc và tạng phủ, có thể đuổi ngoại tà, điều hòa dinh vệ, thông kinh lạc, khí huyết và giãn cơ.
Đối với phì đại tiền liệt tuyến, xoa bóp giúp cải thiện việc cung cấp máu cho tuyến tiền liệt và tăng sự co bóp của các sợi trong tuyến, từ đó giúp giảm các triệu chứng tắc nghẽn của đường tiết niệu. Ngoài ra, nghiên cứu cho rằng xoa bóp và tập luyện thể chất cũng góp phần làm thay đổi thể tích của tuyến tiền liệt, thư giãn các cơ và dây chằng ở vùng tuyến tiền liệt và bàng quang, giúp cải thiện triệu chứng tắc nghẽn đường niệu của người bệnh.
Mục đích các phương pháp điều trị không dùng thuốc nói trên có tác dụng tăng cường sức mạnh sàn chậu , thúc đẩy hoạt động hệ thần kinh phó giao cảm và giảm hưng phấn của hệ thần kinh giao cảm (tác dụng tương tự như thuốc chẹn alpha).
Bên cạnh đó còn giúp giảm trương lực giao cảm khi nghỉ ngơi ở tuyến tiền liệt; cải thiện nội tiết tố; giảm viêm tuyến tiền liệt thông qua giảm tổn thương oxy hóa; giảm phản ứng co bóp của cơ trơn; làm giảm sự phát triển của các tế bào biểu mô tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, chức năng miễn dịch và khả năng chống oxy hóa được cải thiện khi tập thể dục, bảo vệ tốt hơn khỏi các bệnh đi kèm.
2. Bài tập tốt cho người bệnh phì đại tiền liệt tuyến
Rèn luyện bàng quang
Mỗi sáng thức dậy, người bệnh nên đi vệ sinh để rèn luyện và kích thích bàng quang, sau đó thử lại sau mỗi 1 – 2 giờ, ngay cả khi bạn không có nhu cầu.
Khi người bệnh đã có thể kiểm soát bàng quang và đi tiểu theo yêu cầu, hãy tăng khoảng thời gian giữa các lần thêm 15 – 30 phút cho đến khi có thể cảm thấy thoải mái trong 3 – 4 giờ.
Thông thường phải mất từ 6 – 12 tuần để có thể kiểm soát lại bàng quang và có thể bài tiết hoàn toàn khi bạn cảm thấy muốn đi tiểu.
Bài tập sàn chậu tốt cho người phì đại tiền liệt tuyến
Công dụng: Một trong các bài tập được áp dụng là bài tập sàn chậu nhằm mục đích tăng cường cơ bắp, cải thiện tuần hoàn và giảm áp lực ổ bụng để giảm chèn ép tuyến tiền liệt.
Bài tập có thể thực hiện ở bất kỳ tư thế nào: Khi ngồi làm việc, khi nằm, khi đứng,..
Cách thực hiện: Khi bạn đã cảm nhận xác định được cơ sàn chậu của mình, hãy siết chặt chúng và giữ cơn co trong 5 giây, sau đó thả lỏng chúng trong 5 giây. Lặp lại trình tự: 5 – 10 lần/1 lần tập, mỗi ngày có thể tập 3 – 5 lần.
Sau đó vài tuần, người bệnh phì đại tiền liệt tuyến có thể nâng mức tập lên bằng cách cố gắng giữ các cơ vùng chậu co lại 10 giây, sau đó thả lỏng chúng 10 giây. Thực hiện các bài tập trong nhiều tư thế khác nhau (đứng và ngồi). Lặp lại trình tự 5 – 10 lần/1 lần tập, mỗi ngày tập 3 – 5 lần tùy vào sức khỏe của người bệnh.
Lưu ý: Người bệnh phì đại tiền liệt tuyến cẩn thận tránh gập bụng, đùi và nhớ thoải mái khi thực hiện các bài tập để tránh tập không hiệu quả.
Bài tập sàn chậu dành cho người phì đại tiền liệt tuyến có thể thực hiện khi ngồi làm việc, khi nằm hoặc khi đứng…
Áp lực, kích thích vùng bụng dưới – bàng quang
Áp lực kích thích bàng quang từ bên ngoài vùng bụng dưới có thể giúp kích thích đi tiểu và thúc đẩy bàng quang làm rỗng hoàn toàn.
Thực hiện: Xác định vị trí bàng quang, sau đó ấn nhẹ vào trong (về phía cột sống ) và xuống dưới (về phía bàn chân) để kích thích bàng quang trong khi đi tiểu.
Có thể để nước ấm chảy qua bụng dưới và cơ quan sinh dục để gây buồn tiểu.
Lưu ý: Nên chạm nhẹ thử nước trước để cảm nhận tránh bị bỏng.
Thở 4 thời có kê mông và giơ chân
Công dụng: Luyện tổng hợp về thần kinh, hô hấp và đặc biệt giúp khí và huyết lưu thông tốt để nuôi dưỡng và vận hóa các tạng phủ.
Thực hiện:
+ Tư thế: Tốt nhất là nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông (kê mông cao hay thấp tùy sức, tùy bệnh, đặc biệt thận trọng nếu người bệnh có tăng huyết áp), chân thẳng. Tay trái để trên bụng để theo dõi bụng phình lên xẹp xuống, tay phải để trên ngực để theo dõi ngực nở lên/xẹp xuống.
+ Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng. Thời gian 4 – 6 giây “Hít vào, ngực nở, bụng căng”.
+ Thời 2: Giữ hơi, cơ hoành và các cơ lồng ngực đều co thắt tối đa, thanh quản mở, giơ chân cao khoảng 20cm. Thời gian 4 – 6 giây, rồi để chân xuống “Giữ hơi và cố hít thêm”.
+ Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, không kìm, không thúc. Thời gian 4 – 6 giây “Thở ra, không kìm, không thúc”.
+ Thời 4: Thư giãn hoàn toàn, có cảm giác nặng và ấm. Thời gian 4 – 6 giây “Nghỉ nặng ấm tay chân”.
Sau đó tiếp tục quay lại thời 1. Mỗi lần tập ít nhất 10 hơi thở.
Lưu ý: Trong trường hợp người bệnh phì đại tiền liệt tuyến sức khỏe yếu do mới nằm viện hoặc người cao tuổi , ta có thể tập 2 thời quân bình âm dương, trong đó: Thời 1 hít vào sâu tích cực (2 – 3 giây), sau đó thời 2 thở ra tự nhiên thoải mái tự nhiên, không kìm, không thúc, toàn thân mềm giãn. Mỗi lần tập khoảng 10 hơi/lần tập.
Xoa vùng bụng
Chuẩn bị: Người bệnh phì đại tiền liệt tuyến nằm ngửa, tư thế thả lỏng.
Thực hiện: Có thể nhờ người thân trợ giúp.
Cách làm: Hai tay đặt ở vùng rốn tay nọ trượt lên tay kia làm theo chiều kim đồng hồ khi làm tới vùng bàng quang thì tay lướt nhẹ. Có thể dùng bàn tay bắt đầu xoa từ hố chậu phải lướt dọc theo khung đại tràng – bàng quang.
Xoa vùng bụng giúp tăng cường cung cấp máu cho vùng tuyến tiền liệt.
Bóp nắn cơ bụng : Hai tay bóp nắn cơ bụng nâng lên nhẹ nhàng, bóp nắn theo chiều ngang của bụng.
Nhào cơ: Hai tay nâng cơ bụng lên rồi nhào cơ vùng bụng.
Day cơ: Người bệnh phì đại tiền liệt tuyến dùng gốc bàn tay thực hiện kỹ thuật day vùng bụng.
Day ấn dọc theo khung đại tràng: Dùng các đầu ngón tay vừa day vừa ấn dọc theo khung đại tràng và day ấn dọc tới bàng quang.
3. Những lưu ý khi tập luyện dành cho người bệnh phì đại tiền liệt tuyến
Thời gian tập tốt nhất
Chưa có nghiên cứu nào ghi nhận tập các bài tập hay các vận động thể chất vào buổi nào trong ngày là tốt nhất, phụ thuộc vào thể chất, sức khỏe của mỗi người và thời gian của từng cá nhân. Tốt nhất là duy trì tập luyện vào cùng một thời điểm trong mỗi ngày, tuy nhiên, tùy vào những thời gian tập khác nhau trong ngày, ta có những lợi ích sau:
Buổi sáng
Tập thể dục vào buổi sáng thường không áp lực vào thời gian, tập vào buổi sáng cũng giúp cơ thể tiết ra được một lượng hormon endorphin có tác dụng kích thích động lực, giúp cơ thể khỏe khoắn hơn.
Tuy nhiên, sau một giấc ngủ dài, khớp của chúng ta bất động lâu sẽ khiến ta cảm thấy cứng khớp vào sáng sớm, vì vậy khi tập vào buổi sáng chúng ta nên vận động nhẹ nhàng và tăng dần lên để tránh những chấn thương hoặc bị chuột rút .
Duy trì tập luyện hàng ngày tốt cho người bệnh phì đại tiền liệt tuyến.
Buổi trưa
Có thể tập nhẹ nhàng vì đây là thời điểm nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng cao, đảm bảo sức mạnh của cơ cho các bài tập.
Lưu ý: Người bệnh phì đại tiền liệt tuyến nên tránh tập vào không gian quá nóng và tập nặng vì sẽ gây mất nước nghiêm trọng. Không tập ngay sau ăn để hạn chế đau dạ dày , nên ăn trước tập 30 phút.
Buổi chiều tối
Chiều tối là lúc cơ thể duy trì mức độ tập luyện ổn định trong một ngày, giúp giảm nguy cơ chấn thương và tránh hạn chế về mặt thời gian và các tác động bên ngoài.
Tuy nhiên, khi tập quá muộn vào chiều tối sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh phì đại tiền liệt tuyến, vì nghiên cứu cho rằng trước khi ngủ cơ thể cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Tóm lại, tập vào thời điểm nào trong ngày đều có những ưu và khuyết điểm, tùy vào sức khỏe và thời gian biểu của cá nhân mà có những bài tập phù hợp. Nên tập vừa sức, không thái quá, tập dần dần từng bước, từ nhẹ đến nặng, nên duy trì vào cùng một thời điểm trong ngày, tuân thủ đầy đủ các bài tập.
Lưu ý, nên theo dõi chú ý các triệu chứng bất thường khi tập để tránh những tổn hại đến sức khỏe và bệnh.
Trong giai đoạn nào của bệnh thì nên tập?
Phì đại tiền liệt tuyến trong giai đoạn đầu có nhiều triệu chứng xảy ra do những thay đổi về mô bệnh học và cấu trúc vùng tuyến tiền liệt gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh và những thói quen sinh hoạt.
Việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh thích hợp là rất quan trọng. Trong đó, ngoài những biện pháp can thiệp và dùng thuốc, các phương pháp không dùng thuốc nêu trên nên tập ngay lúc bệnh được phát hiện và chẩn đoán, nó như một liệu pháp bổ sung hiệu quả giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là tắc nghẽn đường niệu.
TS. BS. Bùi Phạm Minh Mẫn, BS. Lê Nhất Duy
Bạn thấy bài viết Bài tập phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển của phì đại tiền liệt tuyến có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Bài tập phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển của phì đại tiền liệt tuyến bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Bài tập phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển của phì đại tiền liệt tuyến của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay