Thiểu năng tuần hoàn não là một trong những bệnh gặp rất nhiều trên lâm sàng, mặt khác phạm vi về bệnh lý này cũng vô cùng rộng lớn.
Lưu lượng máu lên não bị suy giảm là nguyên nhân gây ra thiểu năng tuần hoàn não (thiểu năng = suy giảm chức năng).
Não bộ của chúng ta chỉ chiếm 2% trọng lượng của toàn bộ cơ thể nhưng lại cần được cung cấp tới 25% lượng oxy trong hệ tuần hoàn, 20% lượng máu từ tim.
Chính bởi vì não được nuôi dưỡng bởi hai hệ động mạch cảnh trong và động mạch đốt sống nên các nguyên nhân thường gặp nhất gây thiểu năng tuần hoàn não là xơ vữa động mạch (các mảng lipid máu bám vào thành mạch gây xơ vữa), thoái hóa đốt sống cổ (gây chèn ép hai động mạch đốt sống), huyết áp thấp mạn tính. Đó là ba nguyên nhân phổ biến thường gặp nhất.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như chấn thương sọ não, có khối u chèn ép động mạch cảnh, động mạch não, viêm tắc động mạch, đái tháo đường , béo phì… Hoặc các tổn thương dị dạng mạch máu bẩm sinh đều có thể là nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não.
Các triệu chứng phổ biến của thiểu năng tuần hoàn não là đau đầu , chóng mặt, suy giảm trí nhớ, tê bì chân tay…
Đau đầu do thiếu máu não là triệu chứng thường xuất hiện sớm nhất và hay gặp nhất.
Ngoài ra, thiếu sắt cũng hay gây đau đầu, có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng, đặc biệt là chị em phụ nữ, do lượng hemoglobin trong hồng cầu thấp, không có đủ oxy đến não.
Thiểu năng tuần hoàn não là suy giảm lưu lượng máu lên não.
1. Vai trò của tập luyện đối với người thiểu năng tuần hoàn não
Vận động chính là cách cải thiện tuần hoàn máu hiệu quả, giảm triệu chứng của bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Bài tập cho người thiểu năng tuần hoàn não giúp các khối cơ được hoạt động nhiều hơn, mao mạch giãn nở tốt hơn, từ đó tăng lượng máu lưu thông lên não.
Bài tập cho người thiểu năng tuần hoàn não là những bài tập giúp kích thích não bộ hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường lưu thông máu và cải thiện bệnh lý.
2. Một số bài tập và phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh thiểu năng tuần hoàn não
2.1. Bấm huyệt làm tăng tuần hoàn não
Một số phương huyệt thường được áp dụng như: Phong trì, an miên, thái khê, thái xung, thính cung.
Mỗi ngày, có thể bấm huyệt 1 – 2 lần, mỗi huyệt nên bấm 1 – 3 phút. Nên bấm huyệt một đợt 10 – 15 ngày liên tục. Khi đau đầu bấm huyệt có thể đạt được tác dụng giảm đau.
Tác dụng và cách xác định huyệt như sau:
– Huyệt phong trì: Nhức đầu, đau nửa đầu và chóng mặt. Vị trí: Điểm này nằm trên rãnh giao tiếp của bắp thịt cổ và phần sọ.
Cách bấm: Ấn điểm này và giữ trong một phút.
– Huyệt an miên: Là huyệt ngoài kinh, thường gọi là tân huyệt (huyệt mới xác định), có vị trí nằm ở sau gáy. Khi xác định huyệt này, thường xác định huyệt phong trì (nằm ở chính hõm sâu nhất sau gáy, trên bờ chân tóc) và huyệt ế phong (nằm ở sau góc hàm, đầu dưới của dái tai). Ta xác định điểm giữa của phong trì và ế phong được huyệt an miên.
Huyệt có tác dụng an thần, định chí, chống rối loạn thần kinh thực vật, gây ngủ… Thường được áp dụng để chữa các bệnh hoa mắt chóng mặt, mất ngủ…
– Huyệt thái khê: Thái khê là huyệt có vị trí nằm ở cổ chân. Khi xác định vị trí huyệt này, ta tìm điểm giữa của đường thẳng nối đỉnh mắt cá trong với bờ ngoài gân gót. Huyệt có tác dụng tư thận, thanh nhiệt, tráng nguyên dương…
Huyệt này thường dùng phối hợp với huyệt an miên, thái xung để chữa hoa mắt chóng mặt có nguyên nhân ở tai trong.
– Huyệt thái xung: Có vị trí nằm ở kẽ ngón chân cái và ngón chân thứ hai, cách kẽ ngón chân dịch thẳng lên mu chân khoảng 3 – 4cm ở người lớn. Khi bấm huyệt này, dùng đầu ngón tay cái miết từ kẽ ngón chân lên trên, khi ngón tay mắc lại do vướng vào kẽ của hai xương bàn chân thì đấy chính là huyệt.
– Huyệt thính cung: Có vị trí nằm ở trên má, phía trước bình tai, khi há miệng phía trước bình tai có chỗ trũng chính là huyệt. Huyệt vị này có tác dụng tuyên nhĩ khiếu, thường được tiền nhân chọn dùng để chữa các bệnh về tai.
Kết hợp giữa thái khê, thái xung phối hợp với an miên, thính cung là cách trên dưới cùng dùng, âm dương phối huyệt, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả điều trị.
Một số tư thế yoga đầu thấp hơn tim phù hợp với người thiểu năng tuần hoàn não.
2.2. Một số tư thế yoga giúp tăng lượng máu tuần hoàn đến não
Các tư thế yoga này có vị trí đầu nằm thấp hơn tim sẽ phù hợp với những người bị thiếu máu não, giúp tăng lượng máu tuần hoàn đến não.
Tư thế gác chân lên tường: Nằm ngửa, hai tay đặt lên bụng, hai chân giơ lên cao, áp chặt vào tường sao cho chân vuông góc với mặt sàn. Nhắm mắt, giữ chân thẳng, hít sâu, thở chậm và duy trì tư thế này khoảng 10 – 15 phút. Sau đó từ từ hạ hai chân xuống, ngồi ôm đầu gối một lúc trước khi đứng dậy.
Tư thế gập người: Đứng thẳng ở tư thế thoải mái, hít vào sâu, đồng thời giơ hai tay lên cao quá đầu, cố gắng kéo căng cột sống. Sau đó, thở ra rồi từ từ cúi người về phía trước, sao cho hai tay chạm mặt sàn, chân duỗi thẳng, không gập đầu gối và mặt áp sát vào đầu gối.
Duy trì tư thế này khoảng 30 – 60 giây, hít vào và rồi trở về tư thế đứng thẳng ban đầu.
Tư thế con lạc đà: Ngồi thẳng trên gót chân, tay đặt lên đùi, sau đó nâng người lên, quỳ thẳng trên đầu gối, tay đặt cạnh hông. Hít vào sâu, nghiêng người sang bên phải, đặt tay phải vào lòng bàn chân phải, thực hiện tương tự với bên còn lại. Dồn lực vào hai tay, cố gắng đẩy người lên cao, rướn về phía trước hết sức có thể, đồng thời đầu ngửa ra sau, đùi thẳng vuông góc với mặt sàn.
Duy trì tư thế này khoảng 30 giây, sau đó hạ tay xuống, nghiêng người sang một bên, ngồi thu mình ôm đầu gối và thư giãn.
Tư thế chó úp mặt: Chuẩn bị ở tư thế chống hai tay và đầu gối xuống sàn, tay để rộng bằng vai, đầu gối rộng bằng hông. Hít sâu thở chậm đều đặn, đồng thời dùng lực hai tay cố gắng nâng người lên cao hết sức có thể, trong khi lưng và chân duỗi thẳng, không gập chân.
Giữ nguyên khoảng 1 – 3 phút, sau đó gập đầu gối xuống, ngồi trên gót chân, người cúi về phía trước, hai tay duỗi thẳng, lòng bàn tay úp xuống sàn, đầu chạm sàn và thư giãn cơ thể.
2.3.Bài tập vẩy tay Dịch cân kinh
Phương pháp này đòi hỏi cần có sự điều hòa và nhịp nhàng giữa động tác tĩnh và động, thần và khí, khí và lực, từ đó giúp khí huyết lưu thông, kinh mạch điều hòa, tạng phủ trong cơ thể được nuôi dưỡng đầy đủ, đưa oxy đến các tế bào và loại trừ các chất độc hại.
Bài tập vẩy tay chữa bách bệnh từ Dịch cân kinh giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện chức năng tuần hoàn não, xương khớp, suy nhược thần kinh, hen suyễn, tăng huyết áp,…
Cách tập bài tập vẩy tay Dịch cân kinh.
Trước khi bắt đầu bài tập, bạn nên chuẩn bị cho mình quần áo co giãn, dễ cử động, đầu tóc gọn gàng cùng tinh thần thư giãn nhất.
– Bước 1: Đứng thẳng người, dang hai chân khoảng cách bằng vai, đầu ngón chân bấm chặt trên mặt đất.
– Bước 2: Hai cánh tay duỗi thẳng, thả lỏng, ngón tay xòe thẳng, lòng bàn tay hướng ra sau.
– Bước 3: Bắt đầu thực hiện vẩy tay. Trước hết đưa hai bàn tay úp ngang tầm mắt, sau đó vẩy xuống hết cỡ ra phía sau lưng.
– Chú ý động tác vẩy thật mạnh ra sau hết mức có thể để tăng lực co bóp của hai lá phổi và xương khớp được khỏe mạnh, linh hoạt.
– Thời gian lý tưởng cho mỗi động tác vẩy tay Dịch cân kinh:
Mới đầu bắt đầu bài tập, bạn sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng nhưng khi tập tới 600 cái, cơ thể bắt đầu hơi nhức mỏi, bắp tay và chân căng tức, mồ hôi đổ ra cùng cảm giác nóng bừng khắp cơ thể. Bên cạnh đó do nhu động ruột tăng lên dẫn tới kích thích hệ tiêu hóa bạn có thể hắt xì liên tục cùng cảm giác buồn trung tiện.
Những biểu hiện kể trên đều là dấu hiệu đáng mừng có nghĩa cơ thể đang thích nghi dần với bài tập vẩy tay chữa bách bệnh Dịch cân kinh, không có gì đáng lo lắng.
Số lần lý tưởng cho bài tập mỗi ngày là 1.800 cái vẩy tay, bạn có thể chia ra tập vào mỗi khi rảnh rỗi trong ngày, đều đặn mỗi ngày để hiệu quả phòng và chữa bệnh được đẩy lên cao nhất.
Người thiểu năng tuần hoàn não nên bổ sung thực phẩm giúp lưu thông máu tốt hơn như nho đỏ.
2.4.Sử dụng lá đinh lăng
– Lấy lá đinh lăng trộn sơ qua nước gần sôi khoảng 80 độ, sau đó phơi khô giòn như trà làm gối thảo dược. Gối thảo dược đinh lăng có tác dụng hút tà khí, giúp khí huyết lưu thông tốt hơn lên não. Người lớn nếu bị thiểu năng tuần hoàn não, đau đầu, rối loạn tiền đình… dùng loại gối này rất hay.
– Loại đinh lăng lá nhỏ uống độc vị như trà cũng hỗ trợ điều trị thiểu năng tuần hoàn não, rối loại tiền đình rất tốt.
3. Lưu ý khi tập luyện ở người thiểu năng tuần hoàn não
- Tập luyện không quá sức: Trung bình bạn có thể dành từ 15 – 20 phút tập luyện cho mỗi buổi, có thể ít hơn tùy theo tình trạng sức khỏe của mình. Tập quá sức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây suy nhược cơ thể và phản tác dụng.
- Người thiểu năng tuần hoàn não cần được khám, tư vấn điều trị, ăn uống, tập luyện bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Các thực phẩm được khuyên dùng khi bị thiểu năng tuần hoàn não là: Một số loại thức ăn chứa nhiều magie như hạnh nhân, mè, nho khô, rau xanh,…sẽ cung cấp một lượng khoáng chất tốt để giảm triệu chứng đau đầu. Dùng dầu ô liu sẽ giúp tăng cường chất chống oxy hóa và vitamin E làm cân bằng lượng hormon trong cơ thể. Người bệnh cũng có thể bổ sung những thực phẩm giúp lưu thông máu tốt hơn như: Nhỏ đỏ, táo, đậu phộng, các loại thịt đỏ….
- Nên uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày.
- Áp dụng thực đơn dinh dưỡng cân đối, đầy đủ các nhóm chất cơ bản và tăng cường thực phẩm rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu sắt. Hạn chế các thực phẩm chiên rán quá nhiều chất béo và thực phẩm chế biến sẵn. Không nên uống bia rượu hoặc các chất kích thích ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của hệ thần kinh.
- Không thức khuya quá 23h và luôn ngủ đủ 7 – 8 giờ/ngày.
BS. Vũ Hồng
Bạn thấy bài viết Bài tập cho người thiểu năng tuần hoàn não có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Bài tập cho người thiểu năng tuần hoàn não bên dưới để Đại Việt Sài Gòn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: daihocdaivietsaigon.edu.vn của Đại Việt Sài Gòn
Nhớ để nguồn bài viết này: Bài tập cho người thiểu năng tuần hoàn não của website daihocdaivietsaigon.edu.vn
Chuyên mục: Kinh nghiệm hay